‘Gã khổng lồ’ Intel đứng trước ngã ba đường: Giá trị lao dốc, 15.000 nhân viên sắp mất việc, được ngỏ ý mua lại nhưng bị loạt rào cản pháp lý ‘chặn đứng’
(Thị trường tài chính) - Intel, gã khổng lồ chip từng thống trị thị trường công nghệ Mỹ, đang đứng trước giai đoạn chuyển đổi đầy biến động.
Gã khổng lồ chip Intel đang loay hoay tìm kiếm những hướng đi tiếp theo trong bối cảnh định giá giảm và hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Đề nghị của Qualcomm
WSJ đưa tin, đối thủ cạnh tranh về chip và truyền thông không dây Qualcomm mới đây đã đưa ra đề nghị mua lại Intel, rồi bán một số bộ phận của công ty này cho những người mua khác để hoàn tất thỏa thuận.
Và vào đầu tuần này, CEO Intel Pat Gelsinger đã gửi một email thông báo về "giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi Intel" - bao gồm việc thành lập một công ty con độc lập cho các nhà máy đúc của mình và mở rộng hoạt động kinh doanh với Amazon. Intel cũng dự định sa thải 15.000 nhân viên.
Được thành lập vào năm 1968, Intel là công ty chủ lực của Mỹ trong lĩnh vực thiết kế linh kiện máy tính nhưng phải đối mặt với sự suy yếu trong vài năm qua. Một thỏa thuận mua lại tiềm năng của Qualcomm có thể mang lại một khoản tiền đáng kể, nhưng các nhà phân tích trong ngành chip cho rằng điều này cũng sẽ làm gia tăng rủi ro về giám sát chống độc quyền và thách thức trong môi trường chính trị hiện tại.
Mặc dù không có quá nhiều xung đột giữa mảng kinh doanh chip di động của Qualcomm và mảng PC lẫn trung tâm dữ liệu của Intel, chính quyền Tổng thống Biden trước nay vẫn luôn tỏ ra thận trọng với các vụ sáp nhập.
Logan Purk, nhà phân tích cấp cao tại Edward Jones, bình luận: "Qualcomm và Intel không có nhiều lĩnh vực kinh doanh trùng lặp nên việc sáp nhập có thể không tạo ra tình trạng độc quyền, nhưng cơ quan quản lý sẽ xem xét rất kỹ thỏa thuận này thay vì thông qua một cách dễ dàng".
Hoạt động kinh doanh sản xuất theo hợp đồng chip của Intel cũng có thể bị nghi ngờ, khiến hàng tỷ USD tiền tài trợ từ Chính phủ Mỹ (theo Đạo luật CHIPS và Khoa học) của công ty này bị đe dọa.
Purk giải thích: "Chính phủ được hưởng lợi ích trực tiếp nếu mảng kinh doanh sản xuất chip của Intel thành công. Điều này khiến Qualcomm phải đối mặt với nhiều rào cản chính trị nếu muốn tách rời bộ phận này của Intel".
Reuters đưa tin trước đó, Qualcomm đã tìm cách mua lại một phần mảng kinh doanh thiết kế chip của Intel.
Nhiều quyền tự chủ hơn
Đến nay, việc biến mảng sản xuất chip thành một công ty con độc lập là “cách dễ nhất để mở khóa giá trị cho Intel, xét đến những khoản lỗ và đầu tư đáng kể mà hoạt động kinh doanh này đòi hỏi", Purk cho hay.
Dan Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư ủy thác cấp cao tại Synovus, nhận định: “Việc trao cho mảng sản xuất chip nhiều quyền tự chủ hơn cho phép họ không bị ràng buộc bởi những thăng trầm của thị trường CPU, tất cả đều giảm sút từ thời kỳ huy hoàng trong 2 năm qua".
Bộ phận này của Intel dự kiến sẽ cạnh tranh mạnh hơn với GlobalFoundries, TSMC và Samsung. Cổ phiếu Intel đã tăng 8% sau thông báo hôm 16/9.
So với những công ty như Nvidia tập trung vào thiết kế chip hay TSMC chuyên sản xuất chip theo hợp đồng cho khách hàng, vai trò kép của Intel khi đảm nhiệm cả 2 mảng này đã khiến đối tác và khách hàng tiềm năng của công ty do dự.
Nhà phân tích Purk nói: "Luôn có một số quan ngại rằng nếu bạn là một nhà thiết kế chip hàng đầu và gửi thiết kế của mình cho Intel để sản xuất chip, thì họ cũng có thể cạnh tranh bằng cách tạo ra những con chip tương tự. Tôi nghĩ điều đó khiến nhiều người cảm thấy lo lắng".
Thêm vào đó, việc Intel tiếp tục tập trung vào CPU thay vì GPU - được Nvidia chú trọng và đóng vai trò quan trọng với điện toán AI - cũng làm ảnh hưởng đến tầm quan trọng của công ty trong bối cảnh AI bùng nổ.
"Họ có quá nhiều thứ đang diễn ra và số tiền cần thiết để thực hiện tất cả những điều này là quá lớn", Morgan nhận xét.
Khi đối thủ của Intel - Advanced Micro Devices (AMD) - rơi vào tình hình tài chính khó khăn tương tự vào những năm 2000, công ty này đã chia tách hoạt động thiết kế và sản xuất của mình thành 2 công ty. Đồng thời, họ cũng bán nhà máy sản xuất chip của mình cho một công ty đầu tư ở Abu Dhabi.
Mảng sản xuất chip sau đó trở thành GlobalFoundries, một trong những công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của CEO Lisa Su, AMD cuối cùng đã tập trung đầu tư vào những công nghệ tiên tiến hơn như GPU và AI.
Trong khi đó, Intel phải đối mặt với môi trường địa chính trị khó khăn hơn trong những động thái tiếp theo. Stacy Rasgon, một nhà phân tích cấp cao tại Bernstein Research, cho biết việc được một công ty nước ngoài mua lại hiện không phải là "tình huống khả thi về mặt chính trị" do lo ngại về an ninh quốc gia trong chuỗi cung ứng.
Cơ hội nào từ Amazon?
Cũng trong đầu tuần này, CEO Gelsinger công bố rằng công ty sẽ sản xuất chip tùy chỉnh AI cho Amazon Web Services bằng cách sử dụng quy trình Intel 18A.
Rasgon nhận định, việc hợp tác mở rộng giữa 2 công ty công nghệ sẽ giúp Intel tự tin hơn trong việc tận dụng cơ hội từ làn sóng AI. Tuy nhiên, thị trường vẫn tỏ ra thận trọng vì Amazon đã tự sản xuất chip tùy chỉnh của riêng mình.
Morgan lưu ý: "Phải nhớ rằng Amazon đã tự sản xuất 2 loại chip và họ vẫn đang mua GPU từ Nvidia. Tôi không chắc thương vụ này sẽ giúp ích cho Amazon được bao nhiêu".
Bên cạnh đó, Intel còn phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn khác do công ty từng nhiều lần không đáp ứng được các yêu cầu phát triển quan trọng của khách hàng. Sau hơn 15 năm sử dụng chip của Intel trên Macbook, Apple đã ra mắt thiết kế chip nội bộ riêng là dòng M1 vào năm 2020 và ký hợp đồng sản xuất với TSMC.
Logan Purk chỉ ra: "Intel hoàn toàn bỏ lỡ cuộc cách mạng chip di động, về cơ bản là từ chối hợp tác với Apple vì họ không nghĩ rằng đây sẽ là một sản phẩm có lượng tiêu thụ đủ lớn. Và chúng ta biết kết quả thế nào rồi đấy".
Theo Business Insider, WSJ