HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Dự án ‘siêu’ sân bay trị giá hơn 190.000 tỷ đồng ‘đắp chiếu’ suốt 9 năm, chi phí đội lên gấp 3

Nhã San

(Thị trường tài chính) - Sân bay Brandenburg bị trì hoãn suốt chín năm vì sai lệch trong xây dựng, thiết kế và cáo buộc tham nhũng.

Sân bay Berlin Brandenburg (BER) chính thức đi vào hoạt động vào ngày 31/10/2020, sau chín năm trễ hẹn so với kế hoạch ban đầu. Dự án trị giá hàng tỷ euro, ban đầu được lên kế hoạch là một trung tâm giao thông hiện đại, lại trở nên nổi tiếng hơn với những rắc rối hơn là thành tựu của nó.

Từ thống nhất nước Đức đến ý tưởng xây dựng

Sau sự kiện thống nhất nước Đức vào năm 1990, chính quyền liên bang và các bang đã đề xuất kế hoạch xây dựng một sân bay mới để phục vụ cho thủ đô Berlin. Các địa điểm như Jüterbog, Schönefeld và Sperenberg được cân nhắc, nhưng cuối cùng Schönefeld, nhờ vị trí gần trung tâm thủ đô và tiềm năng kinh tế, đã được chọn.

Năm 1996, các cổ đông dự án bao gồm thành phố Berlin, bang Brandenburg và Chính phủ liên bang Đức đã quyết định mở rộng sân bay Schönefeld hiện có, biến nó thành sân bay quốc tế Berlin Brandenburg. Quá trình chuẩn bị kéo dài đến năm 2006 khi công trình xây dựng chính thức được khởi công, với ngân sách ban đầu ước tính khoảng 2,83 tỷ euro (tương đương khoảng 2,9 tỷ USD).

Gần một thập kỷ trì hoãn và bê bối

Dự kiến khai trương vào tháng 10/2011, dự án nhanh chóng rơi vào khủng hoảng khi hàng loạt vấn đề kỹ thuật và quản lý được phát hiện. Tháng 5/2012, chỉ một tháng trước ngày dự kiến mở cửa, FBB, công ty quản lý dự án, tuyên bố hoãn khai trương do các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ chưa được đáp ứng. Sau đó, nhiều ngày khai trương mới tiếp tục bị hủy bỏ.

Dự án ‘siêu’ sân bay trị giá hơn 190.000 tỷ đồng ‘đắp chiếu’ suốt 9 năm, chi phí đội lên gấp 3 - ảnh 1
Sân bay Berlin Brandenburg. Ảnh: Internet

Năm 2013, hàng loạt bê bối nổ ra khi Giám đốc kỹ thuật Jochen Grossman bị cáo buộc nhận hối lộ 680.000 USD và Alfredo di Mauro, người phụ trách hệ thống phòng cháy chữa cháy, bị phát hiện giả mạo danh hiệu kỹ sư.

Năm 2016, Cơ quan Kiểm toán bang Brandenburg kết luận sân bay chỉ đáp ứng 57% tiêu chuẩn sử dụng, buộc giới chức tiếp tục trì hoãn. Đến năm 2020, khi BER khánh thành, chi phí đã đội lên 7,3 tỷ euro (khoảng 7,5 tỷ USD), gần gấp ba so với dự tính ban đầu.

Dự án ‘siêu’ sân bay trị giá hơn 190.000 tỷ đồng ‘đắp chiếu’ suốt 9 năm, chi phí đội lên gấp 3 - ảnh 2
Bên trong sân bay. Ảnh: Internet

Khó khăn trong quá trình vận hành

Sân bay BER khai trương đúng lúc ngành hàng không lao đao vì ảnh hưởng của Covid-19. Trong năm đầu hoạt động, BER báo lỗ 1,16 tỷ USD và dự kiến cần bổ sung 2,4 tỷ euro (2,7 tỷ USD) đến năm 2026.

Những vấn đề về hệ thống phòng cháy chữa cháy, thiếu nhân viên và thủ tục phức tạp cũng góp phần làm suy giảm uy tín của BER. Sự cố nghiêm trọng như báo động giả báo cháy hoặc tình trạng đông nghịt hành khách trong những dịp cao điểm đã khiến nhiều người bức xúc. Để giải quyết tình trạng này, BER đã thành lập lực lượng đặc nhiệm tăng cường nhân lực trong những giai đoạn cao điểm.

BER đã đạt được một cột mốc quan trọng khi đón 2,39 triệu hành khách vào tháng 8/2024, đánh dấu tầm quan trọng ngày càng tăng của sân bay như một trung tâm giao thông quan trọng ở Đức.

Theo CNN, Airport Technology, Express