Triển khai kế hoạch làm sạch con sông ô nhiễm có 20.000 tấn rác mỗi ngày
(Thị trường tài chính) - Sông Citarum ở Tây Java, Indonesia có chiều dài gần 300km và là một trong những con sông bẩn nhất thế giới.
Điều đáng nói, hầu hết người dân địa phương tại khu vực này phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm trực tiếp từ sông để sinh hoạt, bao gồm tắm, giặt quần áo cũng như để uống và nấu ăn. Hậu quả, nhiều người đã mắc các bệnh như suy thận, viêm phế quản mãn tính, có u...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm sông Citarum. Trước hết, con sông này chảy qua các khu vực công nghiệp lớn, trong đó có nhiều nhà máy dệt nhuộm, sản xuất hóa chất, và các ngành công nghiệp khác. Các cơ sở này xả thải trực tiếp ra sông mà không qua xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ở các khu dân cư sống dọc theo con sông, nhiều nơi không có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống này không đạt chuẩn, dẫn đến việc xả thải rác và nước thải trực tiếp vào sông. Các nhà môi trường học còn ước tính vào cao điểm, 20.000 tấn rác bị đổ vào con sông này mỗi ngày.
Sông Citarum ở Tây Java, Indonesia có chiều dài gần 300km và là một trong những con sông bẩn nhất thế giới
Chiến dịch làm sạch sông Citarum
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm này, Chính phủ Indonesia đã phát động chiến dịch làm sạch sông Citarum vào năm 2018. Đây là một dự án toàn diện và dài hạn, nhằm giải quyết cả vấn đề ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho người dân trong khu vực.
Theo đó, các binh sĩ, nhân viên cảnh sát của chính quyền địa phương cùng các tổ chức xã hội đã được huy động để thu dọn, thiêu hủy rác và nạo vét lòng sông.
Một trong những mục tiêu chính của chiến dịch là giảm thiểu mức độ ô nhiễm nghiêm trọng mà con sông đang phải gánh chịu. Nâng cao chất lượng nguồn nước cho việc sử dụng sinh hoạt và sản xuất, bao gồm việc cung cấp nước sạch cho người dân và các ngành công nghiệp địa phương.
Các nhà máy xả thải ra sông Citarum được yêu cầu phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Chính quyền cũng đưa ra các hình phạt nặng đối với các cơ sở vi phạm quy định về môi trường.
Chưa hết, nhiều camera giám sát dọc theo hai bên bờ sông cũng được lắp đặt để kiểm soát tình trạng vứt rác bừa bãi.
Đáng chú ý, Generation Foundation, một tổ chức phi Chính phủ của Indonesia cùng Waste4Change và RiverRecycle, đã thiết lập một hệ thống thu gom nhựa để loại bỏ từ 20 đến 100 tấn rác thải mỗi ngày.
Họ đặt các mô-đun tập trung hoạt động dọc theo sông Citarum để dẫn các mảnh rác đến điểm thu gom và vớt chúng lên bằng bánh xe thu gom.
Chất thải sau khi được đưa ra khỏi sông sẽ được sử dụng làm nhiên liệu sinh học. Còn nhựa không thể tái chế được sẽ chuyển đổi thành nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp để hỗ trợ tài chính cho dự án này.
Mục tiêu Chính phủ Indonesia đặt ra là vào năm 2025, nước sông Citarum sẽ đủ sạch để uống được. Tuy nhiên, đây là mục tiêu khó có thể thực hiện và cần nhiều thời gian hơn nữa.