HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Hàng loạt dự án bất động sản tạm ngừng cùng nguy cơ giảm phát ‘trầm trọng’: Chuyện gì đang xảy ra tại nền kinh tế số một châu Á?

Trình Long

(Thị trường tài chính) - Mặc dù Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp kích thích từ tháng 9/2024 nhưng tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước - phù hợp với dự đoán của Reuters nhưng thấp hơn so với mức tăng 0,2% của tháng 11. Nếu so với tháng trước, CPI không thay đổi, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia. Dữ liệu mới này làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nguy cơ giảm phát. 

CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,3% của tháng trước đó. So với tháng 11, giá thực phẩm giảm 0,6%, giá rau tươi và trái cây lần lượt giảm 2,4% và 1%. Giá thịt lợn, chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số CPI, cũng giảm 2,1%.  

“CPI toàn phần sẽ chịu tác động tiêu cực từ giá thịt lợn yếu hơn trong năm 2025”, các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ nhận định trong một báo cáo. Tuy nhiên, tính theo năm, giá thịt lợn và rau tươi vẫn ở mức cao, tăng 12,5%.  

Giá bán buôn tiếp tục giảm tháng thứ 27 liên tiếp, với chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12. Con số này khả quan hơn so với dự đoán giảm 2,4% của Reuters.  

Hàng loạt dự án bất động sản tạm ngừng cùng nguy cơ giảm phát ‘trầm trọng’: Chuyện gì đang xảy ra tại nền kinh tế số một châu Á? - ảnh 1
Mặc dù Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp kích thích từ tháng 9/2024 nhưng tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt

Theo tháng, PPI giảm 0,1%, trái ngược với mức tăng 0,1% trong tháng 11, do các dự án hạ tầng và bất động sản tạm ngừng trong mùa thấp điểm, khiến nhu cầu thép giảm, theo Cục Thống kê Quốc gia.  

Tình trạng lạm phát tiêu dùng gần như bằng 0 cho thấy Trung Quốc đang phải vật lộn với nhu cầu nội địa yếu, làm gia tăng nguy cơ giảm phát.  

Mặc dù Bắc Kinh đã áp dụng một loạt biện pháp kích thích từ tháng 9/2024, bao gồm giảm lãi suất, hỗ trợ thị trường chứng khoán và bất động sản cũng như các ngân hàng đẩy mạnh cung cấp các khoản vay nhưng tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.  

Mới đây, vào thứ 4, ngày 8/1, Trung Quốc đã mở rộng chương trình "thu cũ đổi mới" - vốn đang áp dụng cho các thiết bị gia dụng và xe hơi - nay sẽ được mở rộng sang các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh, nhằm thúc đẩy tiêu dùng thông qua các khoản trợ cấp.  

Tuy nhiên, các khoản trợ cấp này chỉ là “biện pháp tạm thời” nhắm vào các sản phẩm cụ thể và không mang lại nhiều tác động cho toàn bộ tiêu dùng, theo bà Louise Loo, Kinh tế trưởng tại Oxford Economics.  

Ông Shaun Rein, Giám đốc điều hành của China Market Research Group cũng nhận định rằng dù chương trình “thu cũ đổi mới” của Trung Quốc có giá trị, nó không đủ để thúc đẩy ngành bán lẻ bởi: “Một gia đình có thể mua bao nhiêu máy điều hòa?”. 

“Giảm phát đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần. Thời điểm này, người tiêu dùng thường mua sắm nhiều để tặng quà gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, họ có xu hướng chờ đợi các chương trình khuyến mãi hoặc ưu đãi lớn thay vì chi tiêu ngay lập tức”, ông Rein cho hay. 

Kỳ vọng vào các ưu đãi lớn này cũng làm tăng áp lực cho các doanh nghiệp và nhà bán lẻ, buộc họ phải tung ra nhiều chương trình giảm giá, dẫn đến biên lợi nhuận giảm và khó duy trì hoạt động lâu dài.

Tuy nhiên, một số chỉ số cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể ghi nhận dấu hiệu phục hồi. Hoạt động sản xuất của các nhà máy trong nước đã mở rộng liên tiếp ba tháng qua, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại trong tháng 12.  

“Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã thể hiện một số dấu hiệu phục hồi sau khi chính sách thay đổi vào tháng 9, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn”, ông Carlos Casanova, Nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng tư nhân Union Bancaire Priveé, cho biết.

Bà Loo dự đoán rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không phục hồi mạnh mẽ như các chuyên gia hay tổ chức khác đã kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tiêu dùng yếu, tức người dân không sẵn lòng chi tiêu nhiều, bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế từ Chính phủ.

Ngày 8/1, đồng nhân dân tệ đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng, ở mức 7,3316 đổi 1 USD, do lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng và đồng USD mạnh lên. 

Theo CNBC