'Điểm tên' những nước Đông Nam Á muốn gia nhập BRICS
(Thị trường tài chính) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hợp tác và gia nhập các liên minh quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của các quốc gia.
BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là một trong những khối quốc tế đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn. Theo đó, các nước Đông Nam Á đang xem xét hợp tác và thậm chí gia nhập BRICS nhằm tận dụng những lợi thế mà khối này mang lại.
Được biết, cả Malaysia và Thái Lan đều bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS. Hồi tháng 9, Myanmar cũng thông báo nước này muốn tham gia khối với tư cách là nước quan sát viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi thì nói họ cũng “có nghiên cứu những lợi ích có thể đạt được khi gia nhập BRICS”. Lào trước đây cũng từng bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập khối này. Còn Singapore và Philippines vẫn chưa đưa ra lập trường về việc gia nhập.
Tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại
Một trong những lợi ích rõ ràng nhất khi hợp tác với BRICS là khả năng mở rộng các mối quan hệ thương mại. Các nước BRICS có thị trường lớn và đa dạng với dân số đông đảo và nền kinh tế phát triển nhanh.
Việc hợp tác với BRICS sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại cho các nước Đông Nam Á, không chỉ ở quy mô hàng hóa mà còn ở dịch vụ và đầu tư. Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia thuộc BRICS, đã trở thành các đối tác thương mại lớn của khối ASEAN trong những năm qua.
Hay việc Thái Lan có thể gia nhập BRICS mang lại cơ hội phát triển. Đó cũng là một cách để nước này khởi động lại nền kinh tế đang suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.
Hợp tác trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ
Một lợi ích quan trọng khác là khả năng hợp tác trong lĩnh vực tài chính. BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với mục tiêu cung cấp nguồn vốn phát triển cho các quốc gia thành viên.
Từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015, NDB đã phê duyệt hơn 32 tỷ USD cho các khoản vay và dự kiến sẽ giải ngân thêm 5 tỷ USD trong năm nay. Các nước Đông Nam Á có thể tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi để phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế, và các dự án công nghệ cao.
Ngoài ra, BRICS cũng đang thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán quốc tế, giúp các quốc gia giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. BRICS cung cấp quyền tiếp cận với các nền tảng tài chính thay thế. Bằng cách liên kết các loại tiền tệ thanh toán có đảm bảo bằng các tài sản dự trữ như vàng, Đông Nam Á có thể giảm thiểu rủi ro do biến động của đồng USD.
Chưa hết, theo Chian Wen Chan - nhà nghiên cứu địa chính trị độc lập, Đông Nam Á cũng có thể hưởng lợi từ sự phát triển của các sàn giao dịch hàng hóa của BRICS, tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện an ninh lương thực.
Các sàn giao dịch của BRICS bảo vệ các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa khỏi tình trạng đầu cơ quá mức.
Tăng cường vai trò và vị thế quốc tế
Gia nhập BRICS sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á củng cố vị thế quốc tế của mình. Ví dụ, đối với Thái Lan, việc gia nhập BRICS có khả năng củng cố vai trò lãnh đạo của nước này trong cộng đồng các quốc gia mới nổi.
Đối với Malaysia, tư cách thành viên BRICS sẽ bổ sung cho tư cách thành viên của quốc gia này trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cả hai đều là những hiệp định mà nước này đã tham gia trong nỗ lực đa dạng hóa các quan hệ đối tác kinh tế và chính trị của mình.
Mặt khác, BRICS cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ tiềm năng gia nhập của các nước Đông Nam Á. Đầu tiên, Đông Nam Á là khu vực duy nhất ở Nam bán cầu không có đại diện BRICS. Thứ hai, Đông Nam Á cũng là một trong những khối hội nhập khu vực phát triển nhất, có tốc độ tăng trưởng cao.
Từ việc mở rộng thương mại, thu hút đầu tư, phát triển công nghệ, đến việc tăng cường vị thế quốc tế, BRICS là một nền tảng quan trọng giúp các quốc gia trong khu vực đẩy mạnh sự phát triển và hội nhập toàn cầu.