Dịch vụ ‘nộp đơn nghỉ việc hộ” bùng nổ tại Nhật Bản do văn hóa… quá lịch sự
(Thị trường tài chính) - Dịch vụ này không chỉ giúp người lao động đối phó với nỗi sợ khi phải trực tiếp đối mặt với cấp trên, mà còn mở ra một thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty môi giới việc làm.
Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, nhiều nhà tuyển dụng đã từ chối hoặc gây khó dễ trong khi xử lý đơn từ chức của nhân viên. Điều này dẫn đến việc một số người lao động, vì quá sợ mất lòng cấp trên, đã không đủ dũng khí để tuyên bố nghỉ việc. Để giải quyết vấn đề này, một dịch vụ mới đã ra đời: "nộp đơn từ chức hộ", giúp người lao động xử lý toàn bộ quy trình từ nộp đơn đến giàn xếp với nhà tuyển dụng.
Yuta Sakamoto, 24 tuổi, là một trong những người đã sử dụng dịch vụ này. Anh kiệt sức vì công việc bán các dự án cải tạo nhà cửa và phải làm thêm vào cuối tuần theo yêu cầu của ông chủ. Khi anh quyết định nghỉ việc, ông chủ đe dọa rằng điều này sẽ hủy hoại tương lai của anh, khiến Sakamoto chùn bước.
May mắn thay, một người bạn đã giới thiệu cho anh dịch vụ "nộp đơn từ chức hộ". Chỉ với 200 USD và một vài thông tin, Sakamoto đã thoát khỏi tình huống khó xử và hiện đang làm nhân viên bán hàng tại một công ty in ấn.
Nhật Bản, đất nước nổi tiếng với văn hóa lịch sự, đã tạo ra một xã hội nơi nhiều người ngại phải "đối đầu" hoặc nói thẳng vì sợ làm mất lòng người khác. Nhiều người lo lắng rằng việc nghỉ việc sẽ gây ra sự xáo trộn hoặc bị đồng nghiệp bàn tán. Chính vì thế, các công ty như Exit, Albatross, và Mo Muri đã ra đời để cung cấp dịch vụ giúp nhân viên từ chức.
Toshiyuki Niino, 34 tuổi, đồng sáng lập công ty Exit, cho biết anh đã từng gặp khó khăn khi tự mình nghỉ việc. "Người Mỹ có thể ngạc nhiên, nhưng tôi quá nhút nhát hoặc sợ hãi để nói ra những gì mình nghĩ", Niino chia sẻ. Anh cũng nhấn mạnh rằng người Nhật thường không được giáo dục để tranh luận và bày tỏ ý kiến. Hiện nay, Exit xử lý hơn 10.000 trường hợp từ chức mỗi năm. Để cạnh tranh, Exit thậm chí còn giảm giá 50% cho khách hàng quen thuộc.
Trong khi đó, Mo Muri đã bắt đầu quảng cáo trên tàu điện ngầm và hứa hẹn giúp khách hàng tìm được công việc mới. Một số công ty khác thậm chí còn tập trung vào các ngách đặc biệt, như cung cấp dịch vụ từ chức cho sĩ quan quân đội với giá cao hơn, nhưng cam kết mang lại sự an tâm khi được luật sư xử lý.
Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,7% và dân số già hóa nhanh chóng, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Theo Teikoku Databank, thiếu hụt nhân sự là nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề và đã khiến kỷ lục 313 công ty phá sản trong năm tài chính vừa qua. Mặc dù tiền lương đang tăng và vượt qua lạm phát vào mùa hè này, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể hoặc không muốn trả đủ tiền để giữ chân người lao động. Khoảng cách thế hệ khiến một số quản lý lớn tuổi vẫn mong đợi sự trung thành tuyệt đối từ nhân viên.
Koichi Oda, 39 tuổi, sau tám năm làm tài xế xe nâng tại một nhà kho ở phía tây Nhật Bản, đã sử dụng dịch vụ từ chức vì không chịu nổi áp lực từ ông chủ và điều kiện làm việc khắc nghiệt. "Đây là cách tôi truyền tải thông điệp: 'Các đồng nghiệp của các người không đáng để nói lời tạm biệt”, Oda nói.
Dịch vụ "nộp đơn xin nghỉ việc" giá cao vẫn đắt hàng
Khi những câu chuyện thành công về việc bỏ việc thông qua các công ty môi giới ngày càng nhiều, nhiều người Nhật Bản không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ này đã tìm ra cách sáng tạo để nghỉ việc. Một người dùng trên X đã chia sẻ: “Tôi không có tiền để thuê một công ty môi giới xin nghỉ việc, vì vậy tôi đã giả vờ làm nhân viên của công ty môi giới và tự nộp đơn từ chức.”
Trong khi đó, các nhà quản lý đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động bắt đầu liên hệ với các công ty môi giới việc làm để hỏi xem liệu họ có thể giới thiệu những nhân viên mới nghỉ việc. Kaoru Yoshida, Giám đốc một công ty môi giới việc làm tại Tokyo, cho biết những yêu cầu như vậy đã giúp cô tìm được một số nhân viên tiềm năng cho công ty.
Yoshida cho biết cô sẵn sàng hợp tác với các công ty môi giới từ chức để tìm kiếm người lao động, mặc dù công ty của cô đã nhận được khoảng 10 cuộc gọi từ các dịch vụ này.
Shinji Tanimoto, giám đốc điều hành của Albatross – đơn vị điều hành dịch vụ “Tôi không thể làm được nữa”, cho biết một số nhà quản lý công ty đã tìm đến ông để xin lời khuyên về cách giữ chân nhân viên.
Ông giải thích rằng lý do nhân viên rời bỏ công ty không có gì phức tạp: những ông chủ độc đoán, không trả lương làm thêm giờ, và từ chối cho nhân viên sử dụng thời gian nghỉ phép là nguyên nhân chính khiến họ phải ra đi. "Chúng tôi hiểu rõ nguyên nhân”, Tanimoto nhấn mạnh.
Theo Wall Street Journal