Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định ý tưởng quỹ dự trữ Bitcoin quốc gia là 'điên rồ'
(Thị trường tài chính) - Larry Summers cho rằng động thái này không đem lại bất kỳ lợi ích nào.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers vừa lên tiếng phản đối ý tưởng thành lập một “quỹ dự trữ Bitcoin quốc gia” dưới thời ông Donald Trump.
“Có lẽ có những khía cạnh mà tiền điện tử đã bị quản lý quá mức bởi các nhà quản lý”, ông nói. “Nhưng một số điều đang được đề xuất, chẳng hạn như ý tưởng rằng chúng ta nên có một loại quỹ dự trữ Bitcoin quốc gia nào đó là hoàn toàn điên rồ”.
Mặc dù ông Trump chưa chính thức công bố một kế hoạch như vậy kể từ khi tái đắc cử, cam kết của ông rằng sẽ không bao giờ bán số Bitcoin thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ đã khiến nhiều người kỳ vọng vào một chính sách lớn hơn.
Những người ủng hộ tiền điện tử đang đặt cược rằng Washington có thể sẽ bắt đầu mua thêm tài sản này dưới thời Trump và giả sử giá Bitcoin tiếp tục tăng điều này có thể giúp giảm bớt nợ công của Mỹ.
Hiện tại, một dự luật nhằm tạo ra quỹ dự trữ Bitcoin đang được Quốc hội Mỹ xem xét, do Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis từ bang Wyoming đề xuất. Bà kỳ vọng rằng các giao dịch mua Bitcoin có thể được thực hiện bằng cách bán các chứng chỉ vàng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nắm giữ.
Tuy nhiên, Summers cho rằng động thái này không đem lại bất kỳ lợi ích nào. Ông lập luận rằng, khác với dầu mỏ hay vàng — những tài sản có giá trị chiến lược trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thiên tai — Bitcoin không mang lại lợi ích tương tự.
“Trong vô số loại tài sản cần hỗ trợ, tại sao Chính phủ lại chọn tích lũy một kho Bitcoin không mang lại giá trị kinh tế?”, ông đặt câu hỏi. “Điều đó chẳng có mục đích nào ngoài việc làm hài lòng những nhà tài trợ chiến dịch lớn”.
Những thảo luận xung quanh quỹ dự trữ bitcoin phản ánh sự thay đổi trong thái độ của các nhà lập pháp đối với tiền điện tử. Ông Trump đã vận động tranh cử với tư cách là “Tổng thống đầu tiên ủng hộ tiền điện tử” và nhận được sự đóng góp đáng kể từ ngành này.
Summers thừa nhận rằng ở một số khía cạnh, chính quyền sắp tới có lý do hợp lý để theo đuổi một cách tiếp cận ủng hộ tiền điện tử, đồng thời nhấn mạnh rằng sự đổi mới trong tài chính nên được khuyến khích.
Nhiều người trong ngành tiền điện tử cảm thấy rằng các nhà quản lý thời ông Joe Biden đã quá mạnh tay trong việc kiểm soát ngành này, khiến các doanh nghiệp tiền điện tử chuyển ra nước ngoài. Ông Trump đã cam kết nới lỏng các quy định, gần đây bổ nhiệm người ủng hộ tiền điện tử Paul Atkins làm lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Theo Markets Insider