Chuyên gia chỉ ra điểm yếu ‘chết người’ của nước Mỹ, cảnh báo ‘bong bóng’ lớn nhất lịch sử sắp nổ tung
(Thị trường tài chính) - Khi thị trường dần mất kiên nhẫn và đòi hỏi lãi suất cao hơn, nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp.
Ruchir Sharma, Chủ tịch Rockefeller International, mới đây cảnh báo rằng “bong bóng lớn nhất trong lịch sử” sắp nổ tung khi đà tăng trưởng vượt trội của Mỹ đang bị thổi phồng bởi khối nợ khổng lồ.
Bong bóng nợ công và nguy cơ đổ vỡ
Theo ông Sharma, Mỹ đã quá phụ thuộc vào nợ và những nỗ lực kiểm soát nợ sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Trong bài viết mới đây trên Financial Times, ông tiếp tục cảnh báo rằng bong bóng tăng trưởng vượt trội của Mỹ so với phần còn lại của thế giới sẽ sớm vỡ tan.
Ông chỉ ra, mặc dù Phố Wall tỏ ra lạc quan với các báo cáo lợi nhuận cao, những con số này lại trở nên kém ấn tượng nếu loại trừ 2 yếu tố: chi tiêu lớn từ Chính phủ và sự đóng góp của một nhóm nhỏ các ông lớn công nghệ. Nói cách khác, sự tăng trưởng lợi nhuận mà mọi người thấy có phần bị "thổi phồng" và không phản ánh đúng thực trạng kinh tế Mỹ.
Ông nhận xét: “Lợi nhuận siêu cao sẽ dần trở về mức bình thường dưới áp lực cạnh tranh”.
Vị chuyên gia cũng giải thích tăng trưởng và lợi nhuận đang được “bơm thổi” nhờ vào mức thâm hụt lớn nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn hiện tại của chu kỳ kinh tế. Thực tế, nợ công – khoản nợ mà Chính phủ Mỹ vay từ các nhà đầu tư trên thị trường tài chính – đã đạt khoảng 100% GDP và dự kiến sẽ sớm vượt mức kỷ lục từng thấy sau Thế chiến II.
Chi phí trả lãi cho khối nợ khổng lồ này cũng tăng mạnh, góp phần khiến thâm hụt ngân sách càng nghiêm trọng. Hiện nay, chi phí lãi vay hàng năm đã đạt mức 1.000 tỷ USD và trở thành một trong những khoản chi lớn nhất ngân sách, thậm chí vượt qua chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, dù Chính phủ liên bang chìm trong thâm hụt, các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ vẫn giữ được tình hình tài chính tương đối ổn định, giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Dữ liệu cho thấy tăng trưởng GDP quý III/2024 đã được điều chỉnh tăng lên 3,1% từ mức 2,8% trước đó, một phần nhờ vào chi tiêu tiêu dùng tăn.
Tác động tiềm ẩn và dấu hiệu cảnh báo từ thị trường
“Nhưng mọi anh hùng đều có một điểm yếu chết người”, ông Sharma nói. “Điểm yếu của nước Mỹ chính là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nợ Chính phủ”.
Theo tính toán của ông, cần 2 USD nợ Chính phủ mới tạo ra được 1 USD tăng trưởng GDP, tăng 50% so với 5 năm trước. Nếu bất kỳ quốc gia nào khác rơi vào tình trạng tương tự, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng dòng vốn tháo chạy. Nhưng Mỹ vẫn giữ vị thế là nền kinh tế hàng đầu và sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới.
Một yếu tố có thể khiến mọi thứ đảo lộn là thị trường dần mất kiên nhẫn. Sharma dự đoán vào năm tới, các nhà đầu tư có thể yêu cầu mức lãi suất cao hơn đối với nợ mới phát hành hoặc đòi hỏi kỷ luật tài chính chặt chẽ hơn. Điều này sẽ buộc Mỹ phải cắt giảm chi tiêu Chính phủ, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và lợi nhuận.
Một số dấu hiệu được cho là đã xuất hiện, khi tập đoàn trái phiếu Pimco tuyên bố giảm đầu tư vào trái phiếu dài hạn của Mỹ do lo ngại về nợ tăng vọt.
Ngoài ra, những nền kinh tế lớn khác như châu Âu hoặc Trung Quốc có thể phục hồi và làm suy yếu vị thế vượt trội của Mỹ. Thậm chí, những sự kiện bất ngờ không lường trước cũng có thể xảy ra.
Chủ tịch Rockefeller International nhận định: “Ở giai đoạn cuối của bong bóng, giá thường tăng theo đường parabol. Trong 6 tháng vừa rồi, giá cổ phiếu Mỹ đã vượt xa các thị trường khác với biên độ lớn nhất trong ít nhất 25 năm qua. Chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể khiến mọi thứ đảo lộn. Tất cả các dấu hiệu kinh điển của giá cao, định giá cực đoan và tâm lý thị trường đều cho thấy hồi kết đã cận kề. Đã đến lúc đặt cược chống lại ‘ngoại lệ của nước Mỹ’”.
Theo Financial Times