Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới 'lung lay': Người dân nợ nần chồng chất, làn sóng phá sản bùng nổ
(Thị trường tài chính) - Mặc dù Nhật Bản không phải quốc gia duy nhất đối mặt với vấn đề nợ nần nhưng mức lương của nước này lại thấp nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.
Nợ tiêu dùng tại Nhật Bản đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong 16 năm trở lại. Năm ngoái, nợ của các hộ gia đình lần đầu tiên vượt qua thu nhập. Hiện các quan chức Chính phủ nước này đang lo ngại rằng những người vốn quen với mức lãi suất siêu thấp ở Nhật sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ khi lãi suất tăng lên.
Mặc dù Nhật Bản không phải quốc gia duy nhất đối mặt với vấn đề nợ nần nhưng mức lương của nước này lại thấp nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Ngoài ra, trong khi các Ngân hàng Trung ương G7 đang hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lại đang tăng lãi suất.
Một số hãng luật ước tính rằng các vụ phá sản cá nhân tại Nhật - vốn đang ở mức cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 - đang trên đà đạt mức cao nhất kể từ năm 2012. Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ tự tử do nợ nần cũng đang gia tăng tại siêu cường châu Á này.
Thực trạng này gây ngạc nhiên bởi người Nhật vốn nổi tiếng với thói quen tiết kiệm thay vì vay nợ. Tuy nhiên, dữ liệu Chính phủ cho thấy nợ bình quân của các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng lên mức 6,55 triệu yên (42.000 USD) trong năm 2023, cao hơn so với thu nhập của họ.
Theo Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính (FSA), hầu hết các khoản vay tiêu dùng hiện tại ở Nhật có lãi suất từ 14-16%/năm.
Theo các nhà phân tích, nợ tiêu dùng gia tăng cho thấy xu hướng cân bằng trở lại khi nền kinh tế lớn thứ tư thế giới thoát khỏi nhiều thập kỷ lạm phát và kinh tế trì trệ. Tuy nhiên, dù một số người ngày càng tự tin hơn về tương lai và vay tiền để mua nhà, chi tiêu, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải vay tiền vì lạm phát nóng hơn đã đẩy giá lên cao.
Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập khả dụng bình quân hàng năm tại Nhật tăng lên mức kỷ lục 122% vào năm 2022, theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Điều này ngược lại với xu hướng giảm tại Mỹ và Anh trong thập kỷ qua.
Mức lương tương đối thấp tại Nhật được đánh giá là một vấn đề đáng báo động. Lương bình quân tại Nhật năm 2023 là khoảng 47.000 USD, thấp hơn đáng kể so với khoảng 80.000 USD ở Mỹ - theo dữ liệu của OECD.
Theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, năm 2023, nước này ghi nhận hơn 70.000 đơn xin phá sản cá nhân. Luật sư Shigeki Kimoto của công ty luật Shinwa Law Office ở Tokyo, cho biết con số này có thể tăng lên 75.000 - 80.000 trường hợp trong năm nay dựa trên số liệu từ tòa án trong 10 tháng đầu năm.
Các vấn đề nợ nần là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người tự tử, với số ca tự tử liên quan tới nợ tăng lên 792 ca trong năm ngoái. Lần gần nhất con số này ở mức cao như vậy là vào năm 2012.
Đối với nguyên nhân khiến mức nợ hộ gia đình gia tăng ở Nhật, một số chuyên gia cho rằng là do nhận thức về tài chính yếu kém.
Nana Otsuki, chuyên gia của công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management Japan nhận định: “Một số người dân có thể đang vay tiền để trang trải phần chi phí sinh hoạt mà tiền lương của họ không đủ chi trả. Họ đang hy vọng nền kinh tế khởi sắc có thể giúp thu nhập của họ tăng lên, từ đó trả bớt nợ”.