Chưa từng có trong lịch sử: Ngân hàng lớn nhất thế giới chuẩn bị kiện Chính phủ Mỹ vì vụ lừa đảo Zelle?
(Thị trường tài chính) - Theo các chuyên gia chính sách, viễn cảnh một ngân hàng kiện cơ quan quản lý của mình là điều chưa từng xảy ra trong thời kỳ trước đây. Nhưng lịch sử sẽ sang trang khi JPMorgan Chase sẵn sàng tố cáo Chính phủ Mỹ để đòi lại công bằng.
Đơn kiện lịch sử từ ngân hàng lớn nhất thế giới
Hãng tin CNBC cho hay hồ sơ báo cáo hàng quý dài khoảng 200 trang được JPMorgan Chase công bố tháng trước có 8 từ nhấn mạnh mối quan hệ căng thẳng giữa ngân hàng lớn nhất thế giới này và Chính phủ Mỹ.
Ngân hàng này cũng tiết lộ rằng Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) có thể trừng phạt JPMorgan vì vai trò của mình trong Zelle, mạng lưới thanh toán kỹ thuật số ngang hàng khổng lồ. Nhà băng có trụ sở chính tại New York (Mỹ) bị cáo buộc không xóa các tài khoản tội phạm khỏi nền tảng của mình và không bồi thường cho một số nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Đáp lại, JPMorgan đã đưa ra lời đe dọa ngầm: “Công ty đang đánh giá các bước tiếp theo, bao gồm cả việc kiện tụng”.
Việc JPMorgan tiết lộ về cuộc điều tra của CFPB đối với Zelle diễn ra sau nhiều năm họ bị các nhà lập pháp Dân chủ thẩm vấn về các tội phạm tài chính trên nền tảng này. Zelle được một công ty thuộc sở hữu của ngân hàng có tên là Early Warning Services ra mắt vào năm 2017 để ứng phó với mối đe dọa từ các mạng lưới thanh toán ngang hàng, bao gồm PayPal.
Phần lớn hoạt động của Zelle không có sự cố gì đáng kể. Trong số 806 tỷ USD chảy qua mạng lưới này năm ngoái, chỉ có 166 triệu USD giao dịch bị khách hàng của JPMorgan, Bank of America và Wells Fargo, ba ngân hàng lớn nhất trên nền tảng này cho là gian lận.
Nhưng theo báo cáo của Thượng viện Mỹ vào tháng 7 xem xét các giao dịch trái phép đang bị tranh chấp, cả ba ngân hàng này chỉ hoàn trả được 38% số tiền mà họ được yêu cầu bồi thường.
Theo Đạo luật chuyển tiền điện tử, các ngân hàng thường phải hoàn trả các khoản thanh toán gian lận qua Zelle mà khách hàng không cho phép, nhưng thường không hoàn trả khoản lỗ nếu khách hàng bị kẻ lừa đảo dụ dỗ ủy quyền thanh toán.
Một Giám đốc phụ trách thanh toán của JPMorgan đã nói với các nhà lập pháp vào tháng 7 rằng ngân hàng thực sự hoàn trả 100% các giao dịch trái phép; sự khác biệt trong kết quả báo cáo của Thượng viện là do nhân viên ngân hàng thường xác định rằng khách hàng đã ủy quyền cho các giao dịch.
Trong bối cảnh bị giám sát chặt chẽ, ngân hàng bắt đầu cảnh báo người dùng Zelle trên ứng dụng Chase “Hãy cẩn thận trước các vụ lừa đảo” và tiết lộ thêm rằng khách hàng sẽ không được hoàn tiền cho các giao dịch giả mạo.
JPMorgan đã từ chối bình luận về thông tin liên quan đến họ trong bài báo kể trên của CNBC.
Bối cảnh thay đổi
Theo các chuyên gia chính sách, viễn cảnh một ngân hàng kiện cơ quan quản lý của mình sẽ là điều chưa từng nghe thấy trong thời kỳ trước, chủ yếu là vì các tập đoàn thường e ngại việc khiêu khích những người giám sát của họ. Điều đó đặc biệt đúng với ngành ngân hàng Mỹ, vốn đã cần hàng trăm tỷ USD tiền cứu trợ từ người nộp thuế để tồn tại sau khi các hoạt động cho vay và giao dịch vô trách nhiệm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các chuyên gia này cho biết.
Nhưng sự kết hợp của nhiều yếu tố trong những năm gần đây đã tạo nên một môi trường mà các ngân hàng và cơ quan quản lý chưa bao giờ xa cách nhau đến thế.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng đã trở thành mục tiêu dễ dàng cho các cuộc tấn công dân túy từ các cơ quan quản lý do đảng Dân chủ lãnh đạo. Những người đứng về phía các cơ quan quản lý chỉ ra rằng các ngân hàng và những người vận động hành lang của họ ngày càng dựa dẫm vào tòa án ở các quận do đảng Cộng hòa thống trị để chống lại cải cách và bảo vệ hàng tỷ USD phí thu được, dù điều đó gây hại cho người tiêu dùng.
Tobin Marcus, Trưởng bộ phận chính sách Hoa Kỳ tại Wolfe Research, cho biết: “Nếu bạn quay lại 15 hoặc 20 năm trước, quan điểm khi đó là việc chống lại cơ quan quản lý của bạn không phải là điều khôn ngoan, rằng việc kiện tụng chỉ là làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn” .
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa mức độ tham vọng của các cơ quan quản lý dưới thời (Tổng thống Joe) Biden và mức độ bảo thủ của tòa án, ít nhất là một bộ phận của tòa án, đã tăng lên mức cao chưa từng thấy. Điều đó đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các vụ kiện tụng thành công trong ngành này, nhằm chống lại các đề xuất về tăng cường quy định quản lý.
Tấn công vào các loại phí
Trong những tháng cuối cùng của chính quyền Biden, hàng loạt cơ quan Chính phủ Mỹ đang nỗ lực đưa ra các đề xuất nhằm mục đích cắt giảm phí thanh toán chậm bằng thẻ tín dụng, giao dịch ghi nợ và thấu chi, cùng nhiều đề xuất khác. Bên cạnh đó, mối đe dọa lớn nhất của ngành ngân hàng là Basel Endgame, một kế hoạch toàn diện nhằm buộc các ngân hàng lớn phải nắm giữ thêm hàng chục tỷ USD vốn cho các hoạt động như giao dịch và cho vay.
Marianne Lake, người đứng đầu bộ phận ngân hàng tiêu dùng của JPMorgan, đã cảnh báo các nhà đầu tư vào tháng 5 năm nay: “Ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với sự tấn công dữ dội của các quy định và thay đổi tiềm ẩn về mặt lập pháp”.
Dimon là “đầu tàu”
Công ty JPMorgan Chase đã phát triển thành ngân hàng Mỹ lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử dưới thời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Jamie Dimon. Theo tạp chí danh tiếng Forbes, JPMorgan Chase cũng đang là ngân hàng lớn nhất thế giới khi có vốn hóa thị trường lên đến 551,03 tỷ USD (theo danh sách được cập nhật vào ngày 2/5/2024). Ngân hàng này cũng đang dẫn đầu một số cuộc xung đột khác với các cơ quan quản lý.
Nhờ danh tiếng dẫn dắt JPMorgan vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2008 và sự biến động của ngành ngân hàng khu vực năm ngoái, Dimon có thể là một trong số ít CEO có đủ tư cách để công khai chỉ trích các cơ quan quản lý. Điều đó đã được nêu bật trong năm nay khi Dimon dẫn đầu một chiến dịch, cả công khai và kín đáo, nhằm làm suy yếu đề xuất của Basel.
Vào tháng 5, tại ngày gặp gỡ nhà đầu tư của JPMorgan, các đại diện của Dimon đã đưa ra lập luận rằng Basel và các quy định khác sẽ gây hại cho người tiêu dùng thay vì bảo vệ họ.
Theo JPMorgan, tác động tích lũy của quy định đang chờ xử lý sẽ làm tăng chi phí thế chấp ít nhất 500 USD một năm và lãi suất thẻ tín dụng thêm 2%. Điều đó cũng sẽ buộc các ngân hàng phải tính phí đối với 2/3 khách hàng có tài khoản séc.
Thông điệp được đưa ra là: Các ngân hàng sẽ không tự gánh chịu chi phí phát sinh từ quy định mà sẽ chuyển chúng sang cho người tiêu dùng.
“Mua địa điểm”
Theo bà Lori Yue, Phó Giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, người đã nghiên cứu về sự tương tác giữa các tập đoàn và hệ thống tư pháp, một chiến lược quan trọng đối với các ngân hàng là đệ đơn kiện lên các tòa án bảo thủ ở nơi họ có khả năng thắng kiện.
Quận phía Bắc của Texas chịu trách nhiệm giải quyết cho Tòa Phúc thẩm liên bang số 5, nơi “nổi tiếng vì sự thân thiện với các vụ kiện của ngành công nghiệp chống lại các cơ quan quản lý”, bà Yue cho biết.
“Việc mua địa điểm như thế này đã trở thành chiến lược kinh doanh đã được thiết lập tốt”, bà Yue quả quyết. “Ngành tài chính đã đặc biệt tích cực kiện các cơ quan quản lý”.
Theo phân tích của Accountable US , kể từ năm 2017, gần 2/3 số vụ kiện do Phòng Thương mại Hoa Kỳ đệ trình nhằm thách thức các quy định của liên bang đã được đưa lên tòa án thuộc Tòa Phúc thẩm liên bang số 5.
Theo ông Brian Graham, đồng sáng lập công ty tư vấn ngân hàng Klaros, môi trường phân cực, nơi các cơ quan liên bang bị các tòa án bảo thủ làm cho suy yếu, cuối cùng sẽ bảo vệ được lợi thế của các tập đoàn lớn nhất .
“Về lâu dài, điều này thực sự tệ, vì nó khóa chặt bất kỳ quy định nào đã có, trong khi thực tế là thế giới đang thay đổi”, ông Graham nói. “Đó là điều xảy ra khi bạn không thể áp dụng các quy định mới vì bạn sợ rằng mình sẽ bị kiện”.
Theo CNBC