HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Báo Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'rắn mặt' với Apple, Việt Nam thành công dù thị trường nhỏ hơn nhiều lần

Ngọc Hân

(Thị trường tài chính) - Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, chuyên gia cho rằng Indonesia cần một chiến lược khôn ngoan hơn để thu hút đầu tư dài hạn.

Indonesia đang gia tăng sức ép với Apple, giữ nguyên lệnh cấm bán iPhone 16 dù hãng đã đề xuất đầu tư hàng tỷ USD. Cách tiếp cận cứng rắn có thể mang lại lợi thế ngắn hạn, nhưng cũng khiến môi trường kinh doanh tại nước này trở nên kém hấp dẫn so với các đối thủ trong khu vực.

Căng thẳng giữa Indonesia và Apple

Mâu thuẫn kéo dài nhiều tháng qua, kể từ khi Jakarta tuyên bố vào tháng 10/2024 rằng họ sẽ cấm bán iPhone 16 do Apple không đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.

Chính phủ Indonesia tuần này khẳng định giữ nguyên lệnh cấm, dù một ngày trước đó vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất AirTag của Apple tại đảo Batam.

Apple vẫn giữ im lặng về tiến trình đàm phán, trong khi phía Indonesia liên tục để lộ thông tin. Các nguồn tin cho biết nước này từ chối dỡ bỏ lệnh cấm ngay cả khi Apple đưa ra các đề nghị đầu tư trị giá 10 triệu USD, 100 triệu USD rồi đến 1 tỷ USD. 

Báo Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'rắn mặt' với Apple, Việt Nam thành công dù thị trường nhỏ hơn nhiều lần - ảnh 1Sản phẩm của Apple tại một trung tâm thương mại ở Jakarta. Ảnh: adek berry/Agence France-Presse

 

Giới phân tích nhận định, Indonesia có thể đã đạt một số thắng lợi nhưng cách tiếp cận này cũng cho thấy sự phức tạp của môi trường kinh doanh trong nước, điều có thể khiến nhà đầu tư e ngại. 

Khi cuộc đua thu hút dòng vốn công nghệ ngày càng khốc liệt, các đối thủ như Việt Nam và Malaysia đang trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn nhờ chính sách cởi mở.

Theo dữ liệu của Canalys, Apple hiện chỉ chiếm 1% thị phần smartphone tại Indonesia. Khoảng 80% thị trường bị thống trị bởi các thiết bị dưới 200 USD, thấp hơn nhiều so với các dòng sản phẩm chủ lực của hãng. 

Dù Apple có đủ nguồn lực để kiên trì theo đuổi thị trường này, những doanh nghiệp khác lại không như vậy. Phần lớn có thể không sẵn sàng đối mặt với rào cản tương tự dù sản phẩm của họ phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Dẫu vậy, Indonesia vẫn là thị trường tiềm năng dài hạn mà Apple không thể bỏ qua. Với dân số trẻ, am hiểu công nghệ và lượng thiết bị di động còn nhiều hơn cả số người dùng, tốc độ tăng trưởng smartphone tại đây được dự báo cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. 

Giữa lúc tranh chấp kéo dài, thương hiệu điện thoại cao cấp Honor (tách ra từ Huawei) đã công bố kế hoạch gia nhập thị trường Indonesia, dù hãng khẳng định quyết định này không liên quan đến lệnh cấm iPhone 16.

Tầm nhìn dài hạn 

Chuyên gia cho rằng chính quyền của Tổng thống Prabowo Subianto cần có chiến lược khôn ngoan hơn. Việc ông Trump tái đắc cử làm dấy lên nguy cơ Mỹ áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, tạo cơ hội để Indonesia thuyết phục Apple mở rộng chuỗi cung ứng tại nước này. 

Tuy nhiên, Jakarta dường như không hài lòng với việc Apple đầu tư vào sản xuất AirTag thay vì các linh kiện trực tiếp liên quan đến iPhone.

Báo Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'rắn mặt' với Apple, Việt Nam thành công dù thị trường nhỏ hơn nhiều lần - ảnh 2Trung Quốc đang thống trị thị trường điện thoại thông minh tại Indonesia. Nguồn: Catalyst 

 

Điều này phản ánh một thách thức dai dẳng với doanh nghiệp nước ngoài tại quốc gia Đông Nam Á: khoảng cách giữa những yêu cầu của Chính phủ và thực tế hạ tầng sản xuất công nghệ cao trong nước. 

Các nhà hoạch định chính sách cần cắt giảm thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy định và tập trung phát triển hạ tầng, nâng cao kỹ năng lao động để tạo ra hệ sinh thái sản xuất bền vững.

Việt Nam và Malaysia đã thành công trong việc thu hút đầu tư, dù quy mô thị trường nhỏ hơn nhiều. Theo danh sách gần nhất, Indonesia chỉ có một nhà cung ứng của Apple, trong khi con số này tại Việt Nam là 35 và Malaysia là 19.

Thêm vào đó, tranh chấp lần này không chỉ xoay quanh iPhone. Indonesia, giống nhiều thị trường mới nổi khác, đang trở thành chiến trường của cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung. 

Hiện tại, 4 trong 5 thương hiệu smartphone hàng đầu tại nước này đến từ Trung Quốc, trong khi thương hiệu còn lại là Samsung của Hàn Quốc.

Dòng vốn và ảnh hưởng công nghệ từ Trung Quốc ngày càng tăng, kéo theo sự thay đổi trong quan điểm của người dân. 

Hơn 73% người Indonesia được khảo sát cho biết họ sẽ chọn liên minh với Bắc Kinh thay vì Washington nếu buộc phải chọn một bên. 

Theo Yahoo Finance