HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ai sẽ nắm quyền kiểm soát AI: Mỹ hay Trung Quốc?

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Trước làn sóng phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI), thế giới dường như đang chia thành hai phe rõ rệt: một bên thúc đẩy đổi mới công nghệ và một bên ưu tiên bảo đảm an ninh.

Từ California tới Bắc Kinh, từ Tokyo tới đảo Đài Loan, các tập đoàn công nghệ hàng đầu đang chạy đua phát triển AI, mở rộng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sức mạnh tính toán của trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy thế mạnh ngành chip bán dẫn.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, những cuộc tranh luận đang nóng bỏng hơn bao giờ hết giữa nhà quản lý về các chính sách kiểm soát tác động kinh tế và xã hội mà AI có thể mang lại. Mặc dầu là nơi đầu tiên luật AI toàn diện, Liên minh châu Âu không phải hình mẫu lý tưởng cho các quốc gia mong muốn đón đầu làn sóng công nghệ.

Ai sẽ nắm quyền kiểm soát AI: Mỹ hay Trung Quốc? - ảnh 1
Làn sóng AI đặt ra một câu hỏi lớn cho các chính phủ về cung cách quản trị và khung pháp lý cho các công nghệ mới.

 

Đạo luật AI của EU cũng nhận nhiều chỉ trích từ nội bộ lẫn bên ngoài vì có thể khiến quá trình đổi mới chậm lại, đồng thời gia tăng chi phí pháp lý và tuân thủ, đặc biệt gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp và môi trường kinh doanh nói chung.

Theo tổ chức tư vấn The Asia Group (TAG), hầu hết các quốc gia châu Á, những nền kinh tế mới đang tràn đầy niềm tin và hy vọng vào sức mạnh tăng trưởng của công nghệ, đều không mấy mặn mà với những đạo luật kiểm soát chặt chẽ như EU. 

Hiệu ứng "Brussels" – một thuật ngữ để sự ảnh hưởng của EU trong việc định hình các quy định luật pháp toàn cầu – dường như không phù hợp với bối cảnh quản trị AI tại châu Á.

Thay vào đó, các chính phủ châu Á đang chia thành hai nhóm chính trong cách tiếp cận AI: một nhóm ưu tiên đổi mới và lợi ích kinh tế, như Nhật Bản và Singapore; nhóm còn lại ưu tiên an ninh quốc gia, điển hình là Trung Quốc. Nhóm đầu áp dụng cách tiếp cận tự điều chỉnh và linh hoạt hơn, trong khi nhóm sau đưa ra các chính sách chặt chẽ với nhiều quy định phê duyệt AI và xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden áp dụng kết hợp các sắc lệnh hành pháp và hướng dẫn tự điều chỉnh nhằm cho phép Thung lũng Silicon giữ vị trí dẫn đầu trong phát triển AI toàn cầu. Trái lại, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt quy định để kiểm soát AI chặt chẽ, nhằm giảm thiểu các rủi ro xã hội và chính trị.

Nhật Bản và Hàn Quốc được dự đoán sẽ đưa ra mô hình quản lý AI riêng, trong khi Ấn Độ dự kiến sẽ tăng cường giám sát thông qua Đạo luật Kỹ thuật số sắp ra mắt.

Ai sẽ nắm quyền kiểm soát AI: Mỹ hay Trung Quốc? - ảnh 2
EU chính thức kích hoạt Đạo luật quản lý AI vào tháng 8/2024

 

Một thế giới chia rẽ do khác biệt quản trị

Bất chấp nỗ lực hợp tác quốc tế, việc hình thành một khuôn khổ quản trị AI thống nhất toàn cầu dường như khó thành hiện thực. Thay vào đó, mỗi quốc gia đang theo đuổi cách tiếp cận riêng, dù vẫn chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

Cuộc tranh luận về quyền kiểm soát AI đang nóng lên, tương tự cuộc đối đầu giữa Apple và Google trong lĩnh vực di động. Sam Altman, CEO OpenAI, từng đặt câu hỏi gây tranh cãi trên Washington Post: "Ai sẽ nắm quyền kiểm soát AI - Mỹ hay Trung Quốc?"

Theo CEO Sam Altman, cuộc đua AI không đơn thuần là cạnh tranh công nghệ mà còn là cuộc chiến về chuỗi giá trị toàn cầu. Ông cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro của mô hình AI nguồn mở - điều mà CEO Meta Mark Zuckerberg đang ủng hộ mạnh mẽ.

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào "cuộc hỗn chiến AI" thực sự. Cuộc cạnh tranh này sớm muộn sẽ lan rộng sang lĩnh vực thiết lập tiêu chuẩn AI toàn cầu. Bắc Kinh đã quyết đoán ban hành luật AI riêng và tích cực định hình các tiêu chuẩn quốc tế thông qua khuôn khổ Liên Hợp Quốc và các kênh khác.

Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và Trung Đông đang chờ đợi để xem xét mô hình quản trị nào - của Mỹ hay Trung Quốc - phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế-xã hội của họ.

Sự phân mảnh trong quản lý AI có thể tạo thêm thách thức kinh tế cho các nước Nam bán cầu - vốn đã tụt hậu trong cuộc đua công nghệ này. Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc về quản trị AI toàn cầu cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về xu hướng này.

Giới chuyên gia kêu gọi thành lập cơ quan quản lý AI quốc tế, tương tự Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hay ICANN trong lĩnh vực Internet. Tuy nhiên, viễn cảnh về một khuôn khổ quản trị AI đồng nhất vẫn còn xa vời. Cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều đang xây dựng khung pháp lý riêng, có thể thay đổi liên tục và không đồng nhất giữa các khu vực. Điều này tạo ra rủi ro đáng kể về tuân thủ và vận hành cho các tập đoàn đa quốc gia dựa trên dữ liệu.

Theo Nikkei Asia