Thanh khoản dư thừa, 3 ngân hàng mạnh tay phát hành hơn 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong 1 tháng
(Thị trường tài chính) - Từ đầu tháng 4/2024, thị trường phát hành sơ cấp trái phiếu DN (TPDN) có 13 đợt phát hành mới với tổng giá trị 13.900 tỷ đồng. Trong đó, 5.200 tỷ đồng thuộc về trái phiếu các ngân hàng gồm MBBank, Techcombank và MSB. 4.000 tỷ đồng còn lại thuộc về TPDN của Vingroup và Vinhomes với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12 – 12,5%/năm.
Bản tin mới nhất cho các khách hàng Techcombank Priority của Techcombank về TPDN cho biết, mặt bằng lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng phù hợp với các kỳ vọng trước đây. Theo đó, lãi suất tiền gửi có thể đã chạm đáy vào tháng 3/2024 (ở mức 4,8%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng).
“Tuy nhiên, lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới do phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu tín dụng. Nhà đầu tư nên ưu tiên các trái phiếu có lãi suất thả nổi ở thời điểm hiện tại để tối ưu hóa lợi nhuận”- các chuyên gia Techcombank khuyến nghị.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch TPDN niêm yết trên HNX và trên hệ thống giao dịch iConnect duy trì ổn định so với tuần trước. Thanh khoản trên HNX đạt trung bình gần 339 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, thanh khoản trên hệ thống iConnect đạt trung bình 47 tỷ/phiên với sự tham gia của 522 nhà đầu tư.
Tính từ đầu tháng 4/2024 đến thời điểm báo cáo, thị trường phát hành sơ cấp TPDN có 13 đợt phát hành mới với tổng giá trị 13.900 tỷ đồng. Trong số đó, 5.200 tỷ đồng thuộc về trái phiếu các ngân hàng gồm MBBank, Techcombank và MSB. 4.000 tỷ đồng còn lại thuộc về TPDN của Vingroup và Vinhomes với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12 – 12,5%/năm.
Việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua được lý giải do bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4. Đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua. Đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý 1/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (số liệu từ Tổng cục thống kê). Các ngân hàng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt đồng thời để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng.