Xi măng Chinfon báo lãi giảm mạnh, nợ trái phiếu 300 tỷ đồng
(Thị trường tài chính) - - Công ty Xi măng Chinfon công bố báo cáo tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, giảm 38% so với kỳ trước. Dư nợ trái phiếu còn 300 tỷ đồng.
Xi măng Chinfon báo lãi giảm 38%
Thông tin được công bố tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, vào ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Xi măng Chinfon đạt 1.659,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (1.664,4 tỷ đồng).
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 1,6 lần, không có biến động so với kỳ trước, tương ứng với tổng nợ phải trả là 2.655,4 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu giảm xuống 300 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm do vào ngày 25/9/2023, Xi măng Chinfon đã mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu.
Theo thống kê từ trang Cbonds.hnx ngày 12/3, Xi măng Chinfon vẫn giữ lại 300 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã trái phiếu CFCCH2126001. Trái phiếu này có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, được phát hành vào ngày 24/9/2021 và sẽ đáo hạn vào ngày 24/9/2026. Lãi suất phát hành của trái phiếu là 7%/năm.
Số tiền thu về nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty. Trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản của Xi măng Chinfon. Tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS).
Được biết, Xi măng Chinfon phát hành trái phiếu này nhằm mục đích tăng quy vốn hoạt động của tổ chức. Cụ thể, Xi măng Chinfon dùng để thanh toán các chi phí hợp pháp, hợp lý, hợp lệ phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thanh toán cho nhà cung cấp, trả lương cho cán bộ nhân viên... Bên cạnh đó, số tiền thu được từ đợt phát hành không bao gồm mục đích cơ cấu lại các khoản nợ và các mục đích đầu tư dự án của doanh nghiệp.
Công ty xi măng Chinfon tiền thân là Công ty xi măng Chinfon Hải Phòng, thành lập ngày 23/7/2008. Công ty có trụ sở chính tại số 288, đường Bạch Đằng, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất xi măng, clinker.
Công ty xi măng Chinfon là công ty liên doanh giữa công ty TNHH Chinfon-Vietnam-Holding, UBND TP.Hải Phòng và Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam. Hiện, Xi măng Chinfon đang sở hữu một Nhà máy xi măng ở Miền Bắc, một Nhà máy nghiền clinker tại Miền Nam với thương hiệu Xi măng Chinfon uy tín trên thị trường xi măng Việt Nam và quốc tế.
Tại thời điểm tháng 5/2018, doanh nghiệp giảm vốn điều lệ từ 1.947 tỷ đồng xuống 1.319,4 tỷ đồng. Tại thay đổi ngày 22/9/2023 vốn điều lệ của doanh nghiệp vẫn là 1.319,4 trong đó, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam góp 14,44%, ChinFon Vietnam Holding CO.,LTD góp 70% và UBND TP Hải Phòng góp 15,56%.
Vicem làm ăn ngày càng đi xuống
Về cổ đông Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), trước đó vào tháng 7/2023, Thanh tra Chính phủ đã Công bố những vi phạm tài chính tại Vicem thời kỳ 2011-2018.
Vicem khi xác định giá trị doanh nghiệp đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản các mỏ đá vôi, đất sét khoảng 1.507 tỷ đồng.
Quá trình xử lý tài chính để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa xử lý, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỷ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2017 – 2021 hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty này có chiều hướng ngày càng suy giảm. Theo đó, doanh thu công ty tăng bình quân 1,94%/năm, song lãi ròng lại giảm 4,22%/năm.
Tính riêng năm 2021, doanh thu thuần Vicem đạt 27.772 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,9% so với năm trước. Trừ đi các chi phí, lãi sau thuế Vicem còn 1.173 tỷ đồng, giảm gần 16,3%.
Vicem cho biết kết quả kinh doanh công ty năm này bị ảnh hưởng bởi việc bị cạnh tranh khốc liệt do nguồn cung (106 triệu tấn) vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước (58,5 – 59,5 triệu tấn); giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao so với năm 2020 (than nhập khẩu có thời điểm tăng khoảng 300% giá than bình quân tháng 10/2021 là 240 - 250 USD/tấn, trong khi đó tháng 10/2020 là 75 - 80 USD/tấn; Thạch cao tăng khoảng 40%...). Ngoài ra, đó còn là các yếu tố như dịch bệnh COVID-19, xu hướng dịch chuyển nhu cầu xi măng bao sang xi măng rời….
Năm 2022, Tổng Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.599,5 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 672,6 tỷ đồng, giảm tới 44% so với năm 2021.
Doanh thu, lợi nhuận năm 2023 của Vicem không đạt kế hoạch năm và giảm so với thực hiện năm 2022 khi tổng doanh thu năm nay là 30.169 tỷ đồng (đạt 86,1% kế hoạch năm 2023 và giảm 23,3% so với thực hiện năm 2022). Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ ximăng thấp, dẫn đến sản lượng tiêu thụ ximăng, clinker của toàn Vicem sụt giảm, làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm; giá thu về giảm.