Phenikaa Group báo lãi giảm mạnh, dư nợ trái phiếu hơn 900 tỷ đồng
(Thị trường tài chính) - Dữ liệu công bố cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Phenikaa Group trong năm 2023 giảm tới 39% xuống 611,2 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group) vừa công bố tình hình tài chính năm 2023.
Tính tới cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Phenikaa Group ở mức 8.778,2 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 0,69 lần như vậy, nợ phải trả của doanh nghiệp là 6.057,2 tỷ đồng, trong đó có 904 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu.
Lợi nhuận sau thuế của Phenikaa Group giảm tới 39% xuống 611,2 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 12,06% xuống 7.08%. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của công ty tăng 8,5% so với đầu năm lên 14.836 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 12/2023, Phenikaa Group đã phát hành 2 lô trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn 7 năm. Lô đầu tiên có giá trị 600 tỷ đồng, lãi suất phát hành 6,2%/năm và lô thứ hai có giá trị 300 tỷ đồng, lãi suất phát hành 5,87%/năm.
Gốc trái phiếu được thanh toán dần kể từ 3 năm sau ngày phát hành. Cụ thể, tròn 3 năm và 4 năm kể từ ngày phát hành, các lô trái phiếu sẽ được thanh toán lần lượt 10% giá trị khoản gốc. Trong 5 năm và 6 năm kể từ ngày phát hành, lô trái phiếu được thanh toán lần lượt 15% giá trị khoản gốc. Kết thúc năm thứ 7, 50% giá trị khoản gốc còn lại được thanh toán.
Trái phiếu không được mua lại trước hạn ngoại trừ thu hồi nợ trước hạn do vi phạm quy định các điều kiện trái phiếu.
Bên mua các trái phiếu này là Credit Guarantee and Investment Facility thuộc ADB. Khi phát hành 2 lô trái phiếu này, Phenikaa đã thế chấp 28 triệu cổ phiếu Vicostone cho Credit Guarantee and Investment Facility. Số cổ phiếu này có giá trị thị trường khoảng 1.500 tỷ đồng.
Được biết trước khi phát hành 2 lô trái phiếu nói trên chỉ 1 ngày (13/12/2023), Phenikaa đã mang quyền mua cổ phần, khoản cổ tức, lợi ích, khoản tiền nhận được hoặc sẽ nhận được liên quan tới 28 triệu cổ phần trong Công ty CP Vicostone (MCK: VCS) thế chấp tại Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF)- quỹ ủy thác có liên quan đến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Dữ liệu từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Phenikaa Group được thành lập vào tháng 10/2010, có trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: Nghiêm Thị Ngọc Diệp nắm 99%, còn lại là cổ đồng Phạm Hùng Phạm Thị Thu Hằng mỗi người góp 0,5%.
Vào tháng 6/2013, cả 3 cá nhân trên đồng loạt giảm sở hữu tại Phenikaa, thay vào đó là sự xuất hiện của ông Nguyễn Quốc Dung với việc nắm giữ 98% cổ phần.
Tới tháng 2/2017, Phenikaa tăng vốn điều lệ lên mức 1.600 tỷ đồng và chỉ 10 tháng sau đó, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên mức 2.100 tỷ đồng. Đến tháng 8/2019 số vốn điều lệ của Phenikaa là 3.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công khai.
Theo giới thiệu Tập đoàn Phenikaa hiện là một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành tại Việt Nam với hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực cốt lõi: Công nghệ – Sản xuất công nghiệp – Nghiên cứu khoa học – Giáo dục và Đào tạo, Phân phối Thương mại & dịch vụ. Trong lĩnh vực công nghiệp, Phenikaa hiện đang sở hữu thương hiệu đá thạch anh cao cấp hàng đầu thế giới VICOSTONE®, phân phối tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có các thị trường khắt khe như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu...
Đại diện pháp luật của Phenikaa là ông Hồ Xuân Năng (SN 1964) kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty. Dữ liệu cho thấy, đại gia Hồ Xuân Năng còn là đại diện của một loạt pháp nhân như: Trường Đại học Phenikaa, CTCP Vicostone, CTCP Nghiên cứu và Kiểm nghiệm thuốc AQP, CTCP Đầu tư Giáo dục Phennikaa, CTCP Y học Vĩnh Thiện...
Bài 2: Hệ sinh thái "khủng" của đại gia Hồ Xuân Năng có những gì?