HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngày Thần tài: Khi nhà vàng “khua chiêng gõ mõ“

Cao Trang

(Thị trường tài chính) - Nhu cầu tăng cao khiến giá vàng và chênh lệch mua vào- bán ra được các nhà vàng kéo rộng lên đến 2,5 triệu đồng/lượng dịp Lễ Thần tài. Trong khi người mua phải mua vàng giá cao thì nhà vàng lại "hốt bạc".

Người mua lãi hay lỗ?

Tục thờ cúng Thần Tài không phải là truyền thống của người dân Việt Nam mà được du nhập và chịu ảnh hưởng từ văn hóa của người Trung Hoa. Quan niệm mua vàng vào ngày thần tài mới chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Những người mua vàng quan niệm rằng, mua vàng trong ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng sẽ được may mắn, công việc hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc rủng rỉnh cả năm. 

Ngày Thần tài: Khi nhà vàng “khua chiêng gõ mõ“ - ảnh 1
Mỗi năm, đến ngày vía Thần Tài, người dân lại đổ xô đi mua vàng.
Ảnh minh họa.

Việc nhiều người đồng loạt mua vàng, nhu cầu tăng cao có thể dẫn đến tăng giá. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ngày lễ Thần Tài là ngày mà các nhà kinh doanh “khua chiêng gõ mõ” để người dân đổ tiền vào đầu tư.

Việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài có thể mang lại may mắn và tạo cơ hội tài lộc, nhưng không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. “Từ lòng tin vô căn cứ của người dân, giá vàng sẽ được đẩy lên cực điểm vào ngày vía Thần Tài” - ông Nguyễn Trí Hiếu dự đoán.

Ngay trước vía Thần Tài, giá vàng nhẫn lập đỉnh mới 65 - 66 triệu đồng và cao hơn thế giới tới 6 triệu đồng mỗi lượng. Cuối ngày 17/2, tức mùng 8 tháng Giêng, giá vàng nhẫn và nữ trang tại các thương hiệu tiếp tục thiết lập đỉnh mới.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 150.000 đồng chiều mua vào lên 63,65 triệu đồng một lượng trong khi nâng mạnh chiều bán ra 250.000 đồng lên 64,85 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng nhẫn tròn trơn được nới rộng lên 2,2 triệu đồng một lượng. Trong ngày, có thời điểm giá vàng nhẫn tại SJC thậm chí được giao dịch gần 65 triệu đồng một lượng và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Hôm nay, vàng miếng được các nhà vàng nới rộng biên độ giá mua vào và bán ra lên 2,5 triệu đồng một lượng. So với thế giới, vàng miếng gần đây vẫn neo cao hơn 18 - 19 triệu đồng một lượng.

Điều này là do nguyên tắc cơ bản của cung và cầu: khi cầu tăng mạnh mẽ mà cung không thay đổi hoặc không tăng tương ứng, giá sẽ tăng. Trong trường hợp này, nhu cầu mua vàng tăng cao vào ngày vía Thần Tài đã tạo ra áp lực tăng giá.

Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua vàng vào ngày này. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên: “Sau ngày Vía Thần Tài, xác suất giá vàng giảm có thể lên đến 70%. Chính vì thế mà hãy cẩn thận khi mua vàng trong ngày này, tránh tạo lợi ích cho những tay đầu cơ và những nhà kinh doanh vàng.

Trong trường hợp người mua vàng ngày Vía Thần Tài giữ vàng một thời gian dài, có thể giá vàng trong năm tới sẽ vượt cả giá của ngày Thần Tài, tạo ra lợi nhuận cho người mua”.

Tạo cân bằng cho thị trường

Với diễn biến tăng nóng của giá vàng SJC thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và yêu cầu không để "vàng hóa" nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC. Công điện chỉ ra tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng, cũng như cán cân cung cầu trong thị trường vàng trong nước đang có xu hướng lệch. Nguồn cung chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước độc quyền hiện nay không đủ để đáp ứng nhu cầu từ người dân và các nhà kinh doanh. 

“Từ vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã không còn nhập khẩu vàng.  Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang độc quyền về nhập khẩu vàng và thương hiệu vàng quốc gia SJC.

Theo tôi, hiện nay là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước giao lại nhiệm vụ nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh, giúp cho nguồn cung được dồi dào hơn. Từ đó, đưa cán cân cung cầu của thị trường vàng trở lại vị trí cân bằng, rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới” - ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ. 

Thực tế, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC ngày càng trở nên khan hiếm. Thậm chí, trong lưu thông, vàng SJC còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức, mỹ nghệ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

Để bình ổn thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra đề xuất nên có một sàn giao dịch vàng. Khi có một thị trường vàng mở, tất cả những thành phần tham dự vào thị trường vàng sẽ có cái nhìn minh bạch nhất về thị trường hiện tại, bảo đảm không tạo ra chênh lệch lớn về giá vàng trong nước và thế giới như hiện nay, đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu vàng lậu đang diễn biến hết sức phức tạp.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước có thể tận dụng hơn 400 tấn vàng đang được người dân nắm giữ phục vụ cho nền kinh tế nước nhà bằng việc phát hành chứng chỉ vàng. Chứng chỉ vàng được phát hành không chỉ giúp người dân có thêm một khoản lãi đến từ tài sản tích trữ mà còn giúp nhà nước tăng nguồn vốn ngoại tệ, đầu tư cho đất nước.