Những điểm cần lưu ý khi “chốt” giao dịch bất động sản thổ cư trước Tết
(Thị trường tài chính) - Cuối năm là thời điểm giao dịch bất động sản (BĐS) thổ cư diễn ra sôi động nhất. Tuy nhiên, trong thị trường còn nhiều “vùng xám”, cùng với tâm lý chốt giao dịch trước Tết, người mua có thể gặp tổn thất về tài chính, rủi ro pháp lý.
Khi tham gia vào thị trường BĐS, người mua cần tìm hiểu kỹ, nhận diện những rủi ro có thể gặp phải.
Ông Đỗ Ngọc Thắng - Giám đốc Kinh doanh Vùng tại OneHousing cho biết: “Vấn đề muôn thuở của khách hàng mua BĐS, đầu tiên là về pháp lý. Khách hàng có thể gặp các rủi ro giao dịch các căn nhà chưa sổ, không sổ, mua bán giấy tờ viết tay hoặc vi bằng, chung sổ, sổ đang ở chỗ tín dụng đen, hoặc chủ nhà đang đặt cọc cho 2-3 người…”
Rủi ro thường thấy nhất là chủ nhà cầm sổ đỏ đi vay ở đơn vị tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc chủ nhà phải viết giấy bán hoặc hợp đồng đặt cọc. Nếu không kiểm tra kỹ trước khi mua thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro và đem lại những hệ lụy khôn lường, bởi giá trị của BĐS rất lớn.
“Chính vì vậy, người mua cần kiểm tra kỹ càng về sổ đỏ và các thông tin trên sổ phải chính xác mới xuống tiền đặt cọc. Nếu có thể, nên giao dịch qua đơn vị môi giới uy tín, bởi họ là những người có chuyên môn tốt nhất để đảm bảo pháp lý của BĐS đó”, ông Đỗ Ngọc Thắng chia sẻ.
Thời điểm cuối năm thường xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán: “Vỡ nợ cần bán nhà, bán gấp, giá sốc cuối năm…”. Đây rất có thể là những thông tin đánh vào lòng tham để trục lợi. Nếu nhận được tư vấn giá rẻ hơn hẳn so với thị trường, hãy cảnh giác với những thứ bất ngờ rẻ. Cái gì cũng có giá của nó.
Ông Đỗ Ngọc Thắng nhấn mạnh: “Với môi giới, câu chuyện “thả câu" ban đầu về những BĐS giá hời, giảm sốc rồi dẫn dắt người mua sang những BĐS khác không còn là câu chuyện mới. Hay việc môi giới lợi dụng tâm lý chốt nhanh của người mua để làm giá, “ăn" thêm phần chênh lệch cũng không hiếm.”
Khách hàng cần sự tỉnh táo, tự đánh giá mức giá trung bình tại khu vực BĐS muốn mua để sáng suốt đầu tư, tránh các chiêu trò lừa đảo.
Bên cạnh vấn đề về pháp lý và giá, việc lựa chọn đơn vị môi giới cũng cần được nghiên cứu sáng suốt. “Đơn vị môi giới luôn xuất hiện trong cả quá trình khách hàng tìm kiếm, đi xem nhà, tới khi tiến hành các thủ tục mua bán. Vì vậy, ngay từ lần đầu gặp, tiếp xúc, thông qua một số câu hỏi, bạn có thể kiểm tra xem họ có nghề, có tâm, có hiểu về khu vực hay không,....” - chuyên gia Đỗ Ngọc Thắng phân tích.
Việc gặp được người môi giới chuyên nghiệp, làm việc cho một đơn vị, doanh nghiệp uy tín, có thể giúp khách hàng giảm thiểu mọi rủi ro trong quá trình giao dịch thổ cư. Khi đó, chính đơn vị môi giới sẽ chịu trách nhiệm với giao dịch của khách hàng, thay vì một môi giới hoạt động độc lập.
“Khách mua nếu đã chọn được sản phẩm phù hợp tiêu chí, gặp chủ nhà cần bán, thiện chí bán, điều kiện pháp lý chuẩn, tài chính sẵn,…thì nên mua để có thể yên tâm, vì nhà thổ cư nội đô chưa bao giờ có chuyện giảm giá”, ông Đỗ Ngọc Thắng đưa ra lời khuyên.
Nguồn cung đất thổ cư ở trung tâm Hà Nội gần như không có biến động gì lớn bởi vì quỹ đất không thể mở rộng thêm. Giao dịch thổ cư nội đô sẽ luân chuyển theo nhu cầu. Tuy nhiên, cung - cầu vẫn luôn cân bằng với nhau, bất chấp những biến động của thị trường BĐS nói chung, vì tâm lý người Việt, nhiều người vẫn thích ở nhà mặt đất.
“Với thổ cư ở các quận nội thành, phân khúc giá có giao dịch mạnh nhất từ 3 - 6 tỷ đồng. Với những căn nhà trong ngõ, xe máy đi vào được rơi vào khoảng 100 triệu/m2 đến 120 triệu/m2. Một căn nhà xây 5 tầng, 35 - 40m2 mỗi tầng, diện tích sử dụng cũng vào tới gần 200m2”, chuyên gia Đỗ Ngọc Thắng phân tích.
Dòng đất nền vùng ven sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi Quốc hội mới thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, siết chặt việc phân lô bán nền, để tránh tình trạng đầu cơ. Khi các quy định về pháp luật ngày càng hoàn thiện, thúc đẩy sự minh bạch của thị trường, phân khúc đất nền vùng ven ngày càng kém dần sự hấp dẫn trong danh mục đầu tư của khách hàng.