HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngày đầu tháng 4, vàng lại chạm đỉnh 81 triệu đồng/lượng

Phùng Xuân

(Thị trường tài chính) -Ngày đầu tiên của tháng 4, giá vàng thế giới tăng sốc, ở mức cao nhất trong lịch sử. Trong nước, giá vàng lại chạm mốc 81 triệu đồng/lượng. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân quý I, chỉ số giá vàng trong nước tăng tới 18,23%. Giá vàng tăng liên tục đang gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Giá vàng trong nước về lại đỉnh 81 triệu đồng/lượng

Trong ngày đầu tiên của tháng 4, giá vàng thế giới mở cửa đã tăng sốc hơn 20 USD/ounce lên mốc 2.256 USD/ounce. Đây là mức tăng cao nhất của giá vàng thế giới trong lịch sử. Diễn biến này đã vượt mọi dự báo của giới phân tích, khi chỉ trong vài tháng đầu năm, kim loại quý này tăng vượt 2.000 USD/ounce và hiện tại đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Đà tăng sốc của giá vàng thế giới giúp giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước cũng đi lên lại 81 triệu đồng/lượng. Cụ thể, lúc 8 giờ 45, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 78,5 triệu đồng/lượng, bán ra 81,02 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với hôm qua. Biên độ chênh lệch giá mua – bán vàng SJC cũng được nới rộng lên tới 2,5 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới lập kỷ lục mới.

Trong khi đó, giá vàng 9999 hôm nay được PNJ và DOJI được niêm yết ở mức thấp hơn, 78,80 triệu đồng/lượng mua vào và 80,80 triệu đồng/lượng bán ra.

Ngày đầu tháng 4, vàng lại chạm đỉnh 81 triệu đồng/lượng - ảnh 1
Vàng SJC liên tục tăng trong quý I/2024

Không chỉ vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng tăng tiếp lên 69,4 triệu đồng/lượng mua vào, 70,65 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 200.000 đồng/lượng so với hôm qua, hướng tới vùng 71 triệu đồng/lượng.

Dù vậy, đà tăng của giá vàng trong nước vẫn chưa bằng mức nhảy vọt của giá vàng thế giới. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 68 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 2,6 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC khoảng 13 triệu đồng/lượng.

Tiền chảy vào vàng, gây nhiều hệ lụy

Thông tin tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024 mới đây, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá đã lý giải nguyên nhân dẫn đến việc giá vàng liên tục tăng và lập đỉnh trong thời gian qua. Theo đó, sự biến động của giá vàng trong nước một phần do biến đổi chung của giá vàng thế giới.

Thêm vào đó, các nguyên nhân khác là do lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường bất động sản không ổn định, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hoài nghi, làm giá vàng trong nước tăng.

Việc giá vàng tăng liên tục cũng sẽ khiến các nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, với mục tiêu đa dạng danh mục sinh lợi nhuận, khiến nền kinh tế đang khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất. Khi đó, “Lượng tiền lớn không được đưa vào sản xuất kinh doanh, điều này khiến chính sách phục hồi kinh tế đang trở nên khó khăn hơn”, bà Oanh nhận định.

Nhìn nhận về tỷ giá, Vụ trưởng Vụ Thống kê cho rằng, tỷ giá còn biến động, trong khi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hạ lãi suất điều hành làm USD tăng và duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó là khoảng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở mức âm, lãi suất VND vẫn thấp hơn lãi suất đồng USD và nhu cầu ngoại tệ lớn phục vụ nhu cầu sản xuất.

Tuy vậy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm dần vì nhiều tổ chức dự báo Fed hạ lãi suất từ giữa năm nay. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá linh hoạt, giảm bớt áp lực trong ngắn hạn với tỷ giá.

Theo Tổng cục Thống kê, quý I vừa qua, tỷ giá trung tâm được điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, các cân đối vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.