Ngân hàng rao bán nợ đến 12 lần vẫn ế
(Thị trường tài chính) - Nhiều khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng được ngân hàng rao bán chục lần vẫn ế. Thu hồi nợ vẫn đang là bài toán khó của các nhà băng.
Ngân hàng chật vật bán nợ
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Thành An mới đây có thông báo bán đấu giá (lần 3) khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel). Tính đến hết ngày 16/1/2024, tổng dư nợ là 646,4 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 496 tỷ đồng, nợ lãi hơn 160 tỷ đồng (gồm lãi trong hạn hơn 155 tỷ đồng, lãi phạt hơn 5 tỷ đồng).
VietinBank chi nhánh Bắc Sài Gòn cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Đáng chú ý, đây là lần thứ 12 khoản nợ này được rao.
Tính đến ngày 12/3/2024, dư nợ của khoản nợ tạm tính hơn 583 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn hơn 256 tỷ đồng. Trong lần đấu giá này, giá khởi điểm của khoản nợ giảm còn hơn 92 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 1/2024 và giảm hơn 230 tỷ đồng so với lần rao bán vào tháng 7/2023.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng ồ ạt rao bán hàng loạt nhà đất và các tài sản thế chấp khác để thu hồi nợ. Tính đến cuối năm 2023, chỉ tính riêng bất động sản thế chấp tại VIB đã đạt hơn 375.298 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm, chiếm tới 66% tài sản thế chấp của khách hàng.
Đầu tháng 2 năm nay, sau 6 lần đấu giá bất thành, du thuyền FLC Albatross của ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) tiếp tục được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quy Nhơn rao bán lần thứ 7 với mức giá giảm sâu. Mức giá khởi điểm mới nhất là 23,294 tỷ đồng, giảm gần 2,6 tỷ đồng so với phiên đấu giá lần 6 và giảm 12,41 tỷ đồng so với giá khởi điểm công bố lần 1 cách đây hơn 1 năm, tương đương mức giảm 35% so với giá ban đầu.
Nợ xấu gia tăng, ngày càng khó xử lý
Năm qua, mặc dù nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt, dù vậy, nợ xấu vẫn là điểm nóng khiến các ngân hàng phải đối mặt.
Tại BVBank, tổng nợ xấu năm 2023 của ngân hàng này là 1.913 tỉ đồng, tăng 35% sau một năm. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn vượt nghìn tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của BVBank cũng tăng từ mức 2,79% lên 3,31%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 23%, đạt 276,5 tỉ đồng.
Lý giải về việc hiện tại có nhiều khoản nợ đã được rao bán nhiều lần nhưng không có người mua, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng điều này là bình thường. “Có tài sản đảm bảo là bất động sản nhưng pháp lý chưa hoàn chỉnh. Việc người mua phải tự chịu trách nhiệm pháp lý khiến việc rao bán trở nên khó khăn hơn”, ông Hiển nói.
Một nhân viên ngân hàng cho biết, người dân và doanh nghiệp thường ngại mua các tài sản này, một phần do thủ tục mua bán các sản phẩm này thường rườm rà, chưa kể tâm lý sẽ không có được may mắn nếu dùng đồ từ chủ cũ không có khả năng trả nợ.