HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngân hàng méo mặt với cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”

Giang Du

(Thị trường tài chính) - “Việc thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn, đặc biệt là nợ vay tiêu dùng. Rất nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc”, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024.

Thu hồi nợ khó khăn, nguy cơ nợ xấu tăng cao

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 20/2, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần bày tỏ sự lo ngại về rủi ro nợ xấu năm nay. Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực từ năm 2024 sẽ khiến các ngân hàng rơi gặp không ít khó khăn trong tranh tụng xử lý tài sản đảm bảo. Khó khăn trong thu hồi nợ cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng cho vay, đặc biệt là cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, ngân hàng hiện nay đang chuộng cho vay bất động sản hơn là cho vay kinh doanh. Lý do được đưa ra là khi cho vay bất động sản, nếu đầy đủ giấy tờ pháp lý, kể cả khi khủng hoảng xảy ra, các ngân hàng có tài sản thế chấp là bất động sản nên không sợ bị mất vốn.

Ngược lại, khi cho vay sản xuất, kinh doanh, nếu doanh nghiệp phá sản, ngân hàng cũng sẽ “méo mặt” khi ôm khối dây chuyền sản xuất. Tương tự, cho vay theo dòng tiền, nếu doanh nghiệp phá sản, khả năng ngân hàng mất vốn là rất lớn. Trong khi đó, pháp luật hiện tại đang thiên về bảo vệ người đi vay hơn là bảo vệ người cho vay.

Ngân hàng méo mặt với cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” - ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thu hồi nợ

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định, việc thu hồi nợ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nợ vay tiêu dùng. Không ít cán bộ thu hồi nợ đã phải bỏ việc, hiệu quả thu hồi nợ của các ngân hàng, công ty tài chính đều sụt giảm mạnh, các công ty thu hồi nợ gần như tê liệt. Điều này dẫn đến việc tín dụng đen ngày càng tăng lên.

“Riêng VPBank cho vay tín chấp gần 100.000 tỷ đồng, song rất khó khăn trong thu hồi nợ. Thực tế nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì rất khó thu hồi nợ”, Tổng giám đốc VPBank cho biết.

Tăng tín dụng, ngân hàng buộc chấp nhận “5 ăn 5 thua”

Trước đó, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, VPBank là một trong những ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất 11 tháng đầu năm. “Khi tăng tín dụng lớn như vậy chúng tôi chấp nhận “5 ăn 5 thua”. Ngân hàng rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, dù đây là những lĩnh vực rủi ro cao. Nợ xấu tại VPBank hiện nay đã tăng khoảng 30% so với cuối năm trước, đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều ngân hàng thương mại”, ông Vinh cho biết.

Để nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, VPBank đã tối ưu hóa vận hành hệ thống, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, giảm thu nhập để hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tổng mức giảm phí, lãi suất khiến lợi nhuận ngân hàng giảm gần 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VPBank cũng tạo thuận lợi về điều kiện cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy vậy, việc mở rộng và tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn. Thực tế, các ngân hàng đang phải chấp nhận đánh cược với nền kinh tế.

Ngân hàng méo mặt với cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” - ảnh 2
NHNN chú trọng vào việc tăng trưởng tín dụng an toàn

Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15% nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Trong đó, chú trọng vào việc tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng; tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng,…

Bên cạnh đó, NHNN cũng triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. Trong đó, tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.