Năm 2024, cho vay mua nhà kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ
(Thị trường tài chính) - Chuyên gia kỳ vọng, cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ thời gian tới khi lãi suất hạ nhiệt và thị trường bất động sản dần hồi phục từ quý 2/2024 nhờ nhu cầu mua nhà để ở thực vẫn ở mức cao, một phần nhu cầu đầu tư tài sản tăng trở lại.
Loạt ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, xây dựng cao trên 20%
Báo cáo ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán VCBS mới phát hành cho biết, tín dụng bán lẻ có xu hướng giảm tốc thời gian qua. Theo đó, tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ giảm từ mức 47% cuối năm 2022 xuống 46% tại thời điểm cuối quý 3/2023, khi các nhu cầu vay tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô, đầu tư tài sản đều suy giảm.
Cho vay mua nhà là động lực tăng trưởng chính trong nhiều năm với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5 năm đạt 26%, tuy nhiên đà tăng chững lại trong 2023 do lãi suất neo cao và thị trường bất động sản đóng băng. Cuối quý 3/2023, dư nợ cho vay mua nhà giảm -1%, chiếm 13,8% tổng dư nợ.
Các chuyên gia VCBS kỳ vọng, cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới khi lãi suất hạ nhiệt và thị trường bất động sản dần hồi phục từ quý 2/2024 nhờ nhu cầu mua nhà để ở thực vẫn ở mức cao, một phần nhu cầu đầu tư tài sản tăng trở lại.
Về tín dụng bất động sản, dư nợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và dư nợ lĩnh vực xây dựng của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 13,4% ytd vào cuối quý 3/2023, nhanh hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành, chiếm lần lượt 7,7% và 8,3% tổng dư nợ. Sau giai đoạn siết tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh giải ngân cho các chủ đầu tư do thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục sau các nỗ lực hỗ trợ về lãi suất, pháp lý (Nghị quyết 33, Thông tư 10); cơ cấu lại danh mục khi khả năng hấp thụ vốn của các phân phúc khác còn yếu; và đáp ứng nhu cầu vay gia tăng của doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện mặt bằng lãi suất ngân hàng giảm và kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp không thuận lợi.
Các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, xây dựng cao trên 20% trong danh mục tín dụng hiện nay bao gồm NVB, TCB, LPB, SHB, KLB, VBB, VPB, BVB, OCB.
Dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng nhanh, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa về khả năng tiếp cận vốn giữa các phân khúc và doanh nghiệp trên thị trường, theo đó tập trung vào phân khúc bất động sản bình dân phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản khu công nghiệp và xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, một phần tín dụng được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ, đây sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.
Áp lực trái phiếu đáo hạn tương đối lớn tập trung trong 2024 - 2025
Về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), quy mô thị trường tiếp tục thu hẹp, hiện chiếm 7,5% tổng tín dụng đối với nền kinh tế do khối lượng phát hành mới thấp trong khi lượng đáo hạn và chủ động mua lại vẫn tiếp diễn. Ngành bất động sản và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn (38% và 6%). Các ngân hàng tiếp tục giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong quý 3/2023 với lượng trái phiếu nắm giữ khá nhỏ chiếm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng.
Các ngân hàng nắm giữ danh mục TPDN lớn hiện nay bao gồm TCB, TPB, ABB, MBB, VPB. Một phần TPDN (chủ yếu thuộc ngành bất động sản, năng lượng) đã được đàm phán gia hạn hoặc tái cơ cấu thành công kể từ khi Nghị định 08 và Thông tư 02 có hiệu lực, giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn trong ngắn hạn.
Quy mô thị trường TPDN dự kiến đi vào trạng thái ổn định trong năm 2024. Áp lực trái phiếu đáo hạn tương đối lớn tập trung trong 2024 - 2025, kéo theo nguy cơ nợ xấu đến từ một số doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản.