HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Lãi suất thẻ tín dụng có được vượt quá 20%?

Túc Mạch

(Thị trường tài chính) - Sau vụ bị tính “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1000 lần của khách hàng Eximbank, không ít người còn đang thắc mắc về quy định áp dụng lãi suất tín dụng tại các ngân hàng hiện nay. Liệu các ngân hàng có được tính lãi vượt 20%/năm không?

Trần lãi suất thẻ tín dụng 20%/năm?

Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, quy định mức trần 20% này không áp dụng đối với ngành ngân hàng.

Đối với trường hợp sử dụng thẻ tín dụng, mức lãi suất lại thuộc sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Theo quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng. Do đó, lãi suất với các khoản tín dụng trong trường hợp này không bị khống chế trần 20%/năm.

 Lãi suất thẻ tín dụng có được vượt quá 20%? - ảnh 1
Ngân hàng không bị giới hạn mức lãi suất thẻ tín dụng 20%

Mặc dù không bị khống chế bởi mức lãi suất 20%, tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải thực hiện việc cấp thẻ và thu lãi suất thẻ tín dụng theo các quy định của NHNN. Theo đó, ngân hàng chỉ tổ chức phát hành thẻ được thu phí của chủ thẻ, tổ chức phát hành thẻ thu phí theo Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài Biểu phí đã công bố. Biểu phí dịch vụ thẻ phải nêu rõ các loại phí, mức phí áp dụng cho từng loại thẻ và dịch vụ thẻ. Đồng thời, Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ phải phù hợp với quy định của pháp luật, được niêm yết công khai và phải cung cấp cho chủ thẻ trước khi sử dụng và khi có sự thay đổi.

Ngoài ra, theo quy định, các hình thức thông báo và cung cấp thông tin về phí cho chủ thẻ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Thời gian từ khi thông báo đến khi áp dụng các thay đổi về phí tối thiểu là 07 ngày và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.

Đối với hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ phải có các nội dung quy định về phí, bao gồm các loại phí và các thay đổi về phí (nếu có). Ngoài ra, hợp đồng cũng cần có hỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ, bao gồm các hạn mức và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ. Đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi, cần rõ rang về lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay, thời hạn cấp tín dụng, mục đích vay, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, lãi suất khi sử dụng thẻ tín dụng và phí phạt khoản nợ quá hạn sẽ phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng thẻ giữa khách hàng và tổ chức tín dụng. Hiện nay, thông thường khi sử dụng thẻ tín dụng, nếu trả đúng hạn thì mức lãi suất là 0%/năm; tuy nhiên, nếu chậm trả thì mức lãi suất chậm trả khoảng 20 đến 36%/năm, thậm chí là cao hơn.

Vụ Eximbank, tính thế nào ra 8,8 tỷ đồng?

Do không cố định lãi suất thẻ tín dụng, nên mỗi ngân hàng sẽ áp dụng biểu lãi suất, phí phạt và các loại phí đi kèm ở mức khác nhau. Thực tế hiện nay, dựa trên lãi suất phổ biến trên thị trường, cùng công thức về dòng tiền, các chuyên gia về tài chính cho rằng, câu chuyện lãi suất 8,8 tỷ đồng hoàn toàn có thể xảy ra.

Trường hợp này, giả thiết được chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam đưa ra là khách hàng bị áp lãi suất thẻ 30 - 35%/năm, áp dụng trong 1-2 tháng đầu. Sau thời gian đó, nếu khách hàng không thanh toán, sẽ thành nợ quá hạn. Công thức tính lãi quá hạn = Số tiền vay chưa trả x 150% lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả nợ gốc. Như vậy, lãi suất mà khách hàng phải trả sẽ là trên 50%/năm cho dư nợ quá hạn đó.

Nếu áp dụng phương thức tính gộp theo tháng chứ không phải theo năm sẽ có công thức: (1.05^132)x8,5 triệu đồng sẽ ra tổng khoảng 5,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là tính với dư nợ gốc 8,5 triệu đồng ban đầu, còn thực tế có thể bao gồm loạt chi phí khác phát sinh trong 11 năm như: Phí duy trì thẻ hàng năm, chuyển nhóm nợ, chi phí cho bên đòi nợ…

Nhìn vào số lãi tăng chóng mặt trong 11 năm, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên chú ý hoàn trả đủ số dư nợ trước hạn để tránh phát sinh lãi vay và không phải trả phí thanh toán chậm. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu rõ ràng và nắm chắc những thỏa thuận giữa khách hàng với phía ngân hàng về mức lãi suất, cách tính lãi,… trước khi quyết định sử dụng thẻ để tránh những rủi ro không đáng có.