Giá vàng hôm nay 29/5: Tăng gần 1 triệu đồng, chuyên gia nói gì?
(Thị trường tài chính) - Giá vàng trong nước liên tiếp tăng từ đầu tuần và tăng mạnh sau thông tin dừng đấu thầu vàng miếng để điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Rạng sáng nay, SJC tiếp tục ghi nhận mức tăng tới gần 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được điều chỉnh tăng lên 600.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều. Mức giá hiện tại được doanh nghiệp này niêm yết là 88,5 – 90,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại DOJI, Tập đoàn này niêm yết SJC tại mức 88,4 – 90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với rạng sáng qua, mức giá này đã được điều chỉnh tăng 700.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán.
Tăng cùng mức giá với SJC là 600.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chi nhánh TP HCM và Đà Nẵng niêm yết tại mức 88,3 – 90,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, tại chi nhánh Hà Nội, doanh nghiệp này điều chỉnh tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua và 300.000 đồng/lượng chiều bán.
Bảo tín Minh Châu cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng giá, khi điều chỉnh tăng 550.000 đồng/lượng chiều mua, 400.000 đồng/lượng chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua, lên mức 88,45 – 90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tương tự vàng SJC, vàng nhẫn cũng được các nhà vàng điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức tăng chỉ giao động trong khoảng 50.000 – 100.000 đồng/lượng chiều bán.
Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, sau thông tin NHNN dừng đấu thầu, giá vàng trong nước sẽ được đà leo cao. Tuy vậy, qua trao đổi với phóng viên Chuyên trang Thị trường Tài chính, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy nhận định, việc dừng đấu thầu vàng miếng như hiện tại là phù hợp.
“Do chưa biết biện pháp bình ổn mới hơn sẽ là gì, nên không loại trừ khả năng NHNN sẽ tổ chức đấu thầu lại bằng một cách thức mới. Có thể sẽ thay đổi cách xác định giá đấu thầu hoặc thay đổi đối tượng và kênh phân phối”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho hay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng lưu ý rằng, vàng thuần túy là công cụ để tích trữ và gần như không mang lai lợi ích cho sản xuất kinh doanh. Việc nhập khẩu vàng để bán trong nước sẽ làm hao tổn dự trữ ngoại hối. Trong khi đó bản chất của dự trữ là chỉ dùng trong những trường hợp khẩn thiết. Nhu cầu cất trữ hay kéo giảm chênh lệch giá vàng có phải là khẩn thiết hay không cần phải bàn thấu đáo.
Riêng về chênh lệch giá vàng, ông Nguyễn Đức Hùng Linh kỳ vọng, mức chênh sẽ được giảm xuống khi NHNN đưa ra các biện pháp bình ổn mới. “Chúng ta không nên kỳ vọng chênh lệch có thể giảm về 0 trong một sớm một chiều. Sau khi bán 74 tấn vàng năm 2013, chênh lệch giá vàng vẫn ở mức 10%-20% trong năm 2014 và 2015”.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, vàng miếng SJC là một thương hiệu riêng, khác biệt với các loại vàng khác. Một mặt hàng có thương hiệu, có uy tín và có thanh khoản cao cũng xứng đáng có được hưởng một mức giá cao hơn. Nếu e ngại mức chênh này, người dân vẫn còn lựa chọn mua loại vàng khác như nhẫn tròn trơn, có mức chênh thấp hơn nhiều vàng miếng SJC.