Vụ thử bom hạt nhân 26 tấn 'phóng' quả cầu lửa đường kính gần 100km, chấn động mạnh tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ TNT
(Thị trường tài chính) - Một nhân chứng tại quần đảo Novaya Zemlya mô tả: "Quả cầu lửa đỏ rực lớn lên không ngừng, tạo thành cảnh tượng như đến từ hành tinh khác".
Kể từ năm 1955, Liên Xô đã huy động các nhà khoa học hạt nhân xuất sắc để chế tạo quả bom lớn nhất thế giới mang tên "Tsar" còn được gọi là AN602 hay "Mẹ Kuzkina". Quả bom được thiết kế dưới sự lãnh đạo của nhà vật lý Andrei Sakharov từ năm 1956. Đến năm 1958, nguyên mẫu đầu tiên "sản phẩm 202" hoàn thiện với kích thước dài 8m, rộng 2,1m và nặng 26.500 kg. Công suất bom đạt 57 megaton, tương đương 57 triệu tấn TNT.
Tạp chí Russia Beyond (Nga) mô tả quả bom có trọng lượng lên tới 26,5 tấn, chiều dài gần 8 mét và đường kính 2 mét. Quả bom có tên chính thức là RDS-220, thường được biết đến với tên gọi Tsar Bomba (bom Sa hoàng), một cái tên không rõ ai đã đặt. Ban đầu, nó được thiết kế với sức nổ lên tới 100 megaton, nhưng trong cuộc thử nghiệm, sức nổ đã được giảm xuống còn 50 megaton (tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT) nhằm hạn chế mức độ phóng xạ.
Vào rạng sáng ngày 30 tháng 10 năm 1961, máy bay Tu-95-202 của Liên Xô đã cất cánh từ biển Barents, hướng tới quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực. Treo dưới bụng máy bay là một quả bom khổng lồ, có kích thước tương đương với một chiếc xe buýt trường học nhỏ.
Vào lúc 11 giờ 32 phút cùng ngày, máy bay thả "siêu bom" Tsar Bomba từ độ cao 10.500 mét xuống khu vực thử nghiệm Sukhoy Nos trên đảo Severny. Một chiếc dù nặng gần 1 tấn được bung ra để làm chậm tốc độ rơi, giúp phi công kịp thời đưa máy bay ra khỏi vùng nguy hiểm.
Một phút sau, quả bom phát nổ ở độ cao 4.000 mét, phát ra ánh sáng chói lòa kéo dài hơn một phút. Quả cầu lửa với đường kính 9,7km nhanh chóng biến thành đám mây hình nấm khổng lồ. Trong 10 phút, đám mây vươn tới độ cao 67km và đường kính 96km, có thể nhìn thấy từ khoảng cách 1.000km.
Một nhân chứng tại quần đảo Novaya Zemlya mô tả: "Quả cầu lửa đỏ rực lớn lên không ngừng, tạo thành cảnh tượng như đến từ hành tinh khác".
Dù vụ nổ xảy ra ở độ cao 4.000m, sóng chấn động mạnh tương đương trận động đất trên 5 độ Richter được ghi nhận trên toàn thế giới. Máy bay Tu-95, dù đã bay xa, vẫn bị sóng xung kích làm mất độ cao 1.000m trước khi hạ cánh an toàn.
Các nhà quay phim Liên Xô đã ghi lại quá trình này trong một bộ phim tài liệu tuyệt mật dài 30 phút, có tiêu đề "Thử nghiệm bom nhiệt hạch sạch với sức công phá 50 megaton". Bộ phim đã được Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) giải mật vào tháng 8/2020.
Sóng âm từ vụ nổ lan tới đảo Dixon, cách Novaya Zemlya 800km, và sóng địa chấn đã truyền quanh Trái Đất ba vòng. Liên lạc vô tuyến tại khu vực thử nghiệm và các vùng xung quanh bị gián đoạn trong 40 phút.
Trong vụ thử nghiệm bom hạt nhân, các nhà khoa học đã theo dõi vụ nổ từ khoảng cách an toàn 50km. Nhà vật lý lý thuyết Alexander Chernyshev cho biết, chỉ 2 giờ sau vụ nổ, các nhà nghiên cứu đã đến hiện trường với mức độ phóng xạ 1 miliroentgen/giờ, không gây hại cho sức khỏe con người.
Mặc dù vụ nổ được coi là "sạch" và không gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong bán kính 55km, hầu hết các tòa nhà đều bị hư hại: mái nhà sập, cửa và cửa sổ bị thổi bay, nhiều công trình sụp đổ. Sau thử nghiệm, cảnh quan của Novaya Zemlya đã thay đổi mạnh mẽ, với các ngọn đồi bị san phẳng, biến vùng đất thành một mặt phẳng. Từ năm 1957, toàn bộ dân cư người Nenets trên quần đảo Novaya Zemlya đã được tái định cư, chỉ còn lại quân nhân và các nhà khoa học làm việc tại căn cứ.