HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm

Vĩ Hạ

(Thị trường tài chính) - Công trình này không chỉ là niềm tự hào của văn hóa Chăm Pa mà còn là điểm nhấn quan trọng trong lịch sử kiến trúc Đông Nam Á.

Nằm giữa địa phận của hai thôn An Chánh, xã Bình Tây và Vân Tường, xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cách TP. Quy Nhơn khoảng 50km, cụm tháp Dương Long được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII.

Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm - ảnh 1

Tháp Dương Long là cụm di tích gồm 3 tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao. Ảnh: Champa Studies - Nghiên cứu Champa

Tháp còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường; người Pháp từng gọi là Tour d’Ivoire (tháp Ngà). Theo Đại Nam nhất thống chí, 3 tòa tháp cổ này tọa lạc trên một đồi cao mang tên Dương Long, ở phía Nam núi Trà Sơn.

Dương Long là quần thể tháp Chăm quy mô, đồ sộ và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình này được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015.

Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm - ảnh 2

Cụm tháp Dương Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Du lịch Quy Nhơn - Bình Định 

Tháp Dương Long gồm 3 ngôi tháp thờ 3 vị thần tối cao của Hindu giáo, đó là Brahma, Vishnu và Shiva. Brahma là thần Sáng Tạo; Vishnu là thần Bảo Tồn, Shiva là thần Hủy Diệt. Ba vị thần tối cao trong Hindu giáo gọi là Trimurti, tam vị nhất thể. Nó thể hiện cho triết lý: mọi sự vật trong tự nhiên do thần Brahma sinh ra, được duy trì, phát triển bởi thần Vishnu và cuối cùng bị hủy diệt bởi thần Shiva. Shiva hủy diệt cái cũ để tái tạo ra cái mới tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, nó giống quy luật phủ định của phủ định trong Triết học biện chứng.

Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm - ảnh 3
Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm - ảnh 4
Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm - ảnh 5

Điểm chung của các tòa tháp là phần mái đều được thiết kế xây dựng thành các tầng nhỏ dần, mỗi tầng lại được thể hiện với những họa tiết khác nhau như sư tử, voi, bò thần Nandin, rắn thần Naga… Ảnh: Champa Studies - Nghiên cứu Champa

Các cuộc khai quật khảo cổ học ở tháp Dương Long vào các năm 1985, 2006-2008 đã phát hiện hàng ngàn hiện vật, trong đó đáng chú ý nhất là bức phù điêu thần Brahma trước tháp Bắc, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2006. Yony phía sau 3 ngôi tháp chính, góp phần khẳng định tháp Dương Long thờ 3 đấng tối cao của Hindu giáo là Brahma, Vishnu và Shiva. Yony ở tháp Dương Long cũng là Yony duy nhất đến nay được tìm thấy trên đất Bình Định.

Trong cụm công trình này, tháp Bắc thờ thần Brahma, cao 32m, hiện đã bị hư hại nhiều nhưng vẫn còn nhận rõ cấu trúc. Tháp chia làm ba phần: Đế tháp cao vững chắc, các trụ ốp để trơn nâng toàn bộ mái tháp. Cửa chính tuy đã bị sạt lở nhưng có thể thấy vòm cửa hình mũi giáo vút lên. Hai trụ cửa làm bằng đá trên đầu được trang trí tượng chim thần Garuda quắp rắn. Các cửa giả mô phỏng cửa chính nhưng nhỏ hơn. Trên đỉnh trụ là mặt Kala dữ tợn, phun ra rắn Naga bảy đầu. Bộ mái có cấu trúc bốn tầng nhỏ dần về phía trên và kết thúc bằng một búp sen lớn trên đỉnh tháp.

Tháp Nam thờ thần Vishnu, cao 33m, còn tương đối nguyên vẹn. Cấu trúc tháp Nam cũng tương tự tháp Bắc, đặc biệt là có hoa văn trang trí là những bầu vú tròn trịa được chạm nổi xếp đều đặn chạy quanh thân tháp. Đây là một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở. Trên các tầng mái được trang trí hình voi, sư tử, bò thần Nandin, mặt Kala, rắn thần Naga… 

Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm - ảnh 6

Nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đã đạt tới trình độ điêu luyện. Ảnh: Champa Studies - Nghiên cứu Champa

Tháp giữa thờ thần Shiva, cao 39m và được xem là ngôi tháp gạch cao nhất ở Đông Nam Á. Tháp đã bị hư hại khá nhiều, vòm cửa chính và các cửa giả bị sụp đổ, chỉ còn một vài thanh đá còn đính lại trên thân, cửa giả phía Nam còn lại phần trụ cửa, tiền đường (tiền sảnh) cũng đã bị sụp đổ. Quanh các mặt tường tháp là các trụ ốp rộng bản, để trơn không trang trí hoa văn, mỗi mặt tường có 7 trụ, đầu trụ hơi loe ra và được gắn với những khối đá, trang trí thành nhiều băng giật cấp. Chân đế được ốp kín bằng những khối đá sa thạch với bình đồ vuông mỗi cạnh dài 16,5m, phần nhô ra của cửa giả 0,84m. 

Tháp Dương Long được xây vào cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII. Giai đoạn này, giữa Vương quốc Chăm Pa với Đế quốc Chân Lạp (Khmer) xảy ra chiến tranh liên miên. Vùng đất Vijaya từng bị sáp nhập vào lãnh thổ của người Khmer trong thời gian tương đối dài, từ cuối thế kỷ XII đến năm 1220, Chăm Pa mới giành lại độc lập. Vì vậy, tháp Dương Long bị ảnh hưởng phong cách kiến trúc đền tháp Khmer khá rõ nét.

Người Chăm xây tháp bằng gạch, còn người Khmer xây tháp bằng đá nhưng ở Dương Long có sự kết hợp hài hòa giữa gạch và đá. Tháp được xây bằng gạch nhưng có một khối lượng đá đồ sộ được đưa vào trang trí đền tháp. 

Nền móng tháp Chăm thường xử lý đơn giản bằng cách đầm nén đất, cát, sỏi hoặc đá ong rồi xây tháp lên trên. Tuy nhiên, tháp Dương Long nền móng được xử lý rất công phu, bề thế như nền móng gồm 4 lớp đá ong, 7 lớp gạch được xếp lên nhau. 

Việt Nam sở hữu ngôi tháp gạch cổ cao nhất Đông Nam Á, không sử dụng bê tông vẫn tồn tại qua hàng nghìn năm - ảnh 7

Tháp Dương Long mang trong mình cả một nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ. Ảnh: Champa Studies - Nghiên cứu Champa

Tháp được xây trên nền bình đồ hình vuông nhưng các nghệ nhân Chăm Pa chặt góc một cách tài tình để lên cao thân tháp có dạng hình tròn theo kiến trúc đền tháp Khmer. Mái của tháp Dương Long không phân chia thành các tầng tháp riêng biệt mà có dạng kiến trúc nhỏ dần đều theo phong cách đền tháp Ăngco - Bayon.

Trải qua hàng thế kỷ với bao thăng trầm, sự tàn phá của chiến tranh, ngày nay quần thể tháp đã bị hư hỏng khá nhiều, nhưng nét kiến trúc độc đáo vẫn không phai mờ. Là công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa cổ xưa của Vương quốc Chăm Pa, tháp Dương Long được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1980, sau này được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.