Việt Nam có 1 địa điểm được ghi danh vào công ước Liên Hợp Quốc, từng được UNESCO trao tặng danh hiệu ‘Thành phố vì hòa bình’
(Thị trường tài chính) - Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm mạng và lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Lễ ký kết Công ước.
Chiều ngày 24/12/2024 (theo giờ New York), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Tội phạm mạng. Theo Điều 64 của Công ước, lễ ký kết sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào năm 2025. Công ước này sẽ mang tên "Công ước Hà Nội".
Ngày 24/12/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Ảnh: Bộ Ngoại giao
"Công ước Hà Nội" đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ Việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức Lễ ký kết Công ước vào năm 2025 không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam, mà còn khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, đánh dấu 47 năm thiết lập quan hệ đối tác. Đây là lần đầu tiên một địa điểm tại Việt Nam được vinh danh và liên kết với một điều ước đa phương toàn cầu, đặc biệt trong một lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế quan tâm sâu sắc.
Theo Báo Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ, đây là thành quả xứng đáng sau gần 5 năm Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc khác nỗ lực đàm phán không mệt mỏi. Ông cũng nhấn mạnh rằng, với tư cách là văn kiện đầu tiên về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc sau 20 năm, Công ước này đã mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia với nhiều ý nghĩa quan trọng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Báo Chính phủ
Không chỉ phản ánh vị thế ngày càng nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, việc lựa chọn Hà Nội còn khẳng định sự đóng góp có trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong các quá trình đàm phán quan trọng. Việc đăng cai Lễ ký "Công ước Hà Nội" cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò của mình là một thành viên đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tham gia vào quá trình xây dựng, định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu.
25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”: Thành phố sáng tạo, an toàn, thân thiện
Theo Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 16/7/1999, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên tại châu Á được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Trải qua 25 năm, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện, trở thành một điểm đến "an toàn - thân thiện", ngày càng được giới thiệu và quảng bá rộng rãi, đồng thời nhận được sự đánh giá cao từ các tổ chức quốc tế.
Hồ Gươm - trái tim của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Fantasea Travel
Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Danh hiệu này giúp nâng cao vị thế và uy tín của Hà Nội, đồng thời, góp phần khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, mở ra cơ hội quảng bá Hà Nội đến bạn bè quốc tế, qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ,…
Khẳng định vị thế “Thành phố Vì hòa bình”
Mặc dù hai thập kỷ không phải là một khoảng thời gian quá dài, nhưng đó là quãng thời gian đầy ý nghĩa trong quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội. Với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", Thủ đô đã tận dụng tối đa những giá trị và ảnh hưởng của nó để khẳng định vị thế vững mạnh trên bản đồ quốc tế.
Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên tại châu Á được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Ảnh: Sinhcafe
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước, mà còn là một điểm giao lưu quốc tế quan trọng. Sự gia tăng đáng kể của lượng khách quốc tế đến thăm, cùng với số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây, là minh chứng cho sức hút ngày càng lớn của Thủ đô. Thành phố luôn chú trọng quảng bá hình ảnh "Thành phố vì hòa bình" thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
Việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Hội nghị Cấp cao APEC, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 5, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, và Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên,... đã khẳng định uy tín của thành phố trong cộng đồng quốc tế.
Sáng 2/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội ngày càng trở thành một trung tâm đô thị quan trọng của châu Á và khu vực. Thành phố đã hoàn thiện nhiều công trình trọng điểm như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, các tuyến đường vành đai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông,... Tất cả đều là minh chứng rõ nét cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai (2019). Ảnh: Quốc phòng Thủ đô
Kể từ khi được trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội đã triển khai nhiều dự án văn hóa, giáo dục và bảo vệ môi trường. Các công trình như khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được cải tạo, chỉnh trang, tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành biểu tượng của Thủ đô, khẳng định truyền thống văn hiến lâu đời của Hà Nội.
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Travellive
Bên cạnh đó, Hà Nội đã thông qua nhiều chương trình quan trọng, đặc biệt là Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến các chương trình phát triển an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo”
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong bài phát biểu tại tọa đàm cấp cao "Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo", cho biết việc gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO là một bước tiến quan trọng, nâng cao vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế.
Không gian đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm luôn hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế khi đến Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Từ khi gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo, Hà Nội đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc đưa văn hóa trở thành một trụ cột phát triển. Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động, hợp tác tích cực với các quốc gia khác và triển khai các cam kết với UNESCO. Các chính sách, cơ chế cũng đã được đưa ra để thúc đẩy sự phát triển của "Thành phố sáng tạo", như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và Kế hoạch số 102/KH-UBND về các sáng kiến tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Những giá trị văn hóa Thăng Long tiếp diễn đến ngày nay. Ảnh: Báo Lao động thủ đô
Một trong những điểm nổi bật trong chiến lược phát triển này là việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo. Hà Nội hiện có khoảng 60 không gian sáng tạo, bao gồm 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật, các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa tại Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám,...
Hà Nội đang từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh và đáng sống. Ảnh: Báo Chính phủ
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là một trong những sáng kiến tiêu biểu, thể hiện cam kết của thành phố trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển theo Mạng lưới Thành phố Sáng tạo. Đây không chỉ là dịp để quảng bá sự sáng tạo mà còn là minh chứng cho thành công của Hà Nội trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.