Vì sao năm Ất Tỵ 2025 có tới 384 ngày?
(Thị trường tài chính) - Năm 2025 Âm lịch sẽ kéo dài 384 ngày, điều này khiến nhiều người tò mò về nguyên nhân và cơ chế sắp xếp lịch âm trong khoa học.
Năm Ất Tỵ 2025 có hai tháng 6
Dương lịch hiện là lịch được sử dụng phổ biến trên toàn cầu dựa trên chu kỳ quay của Trái Đất quanh Mặt Trời, kéo dài khoảng 365,2422 ngày. Để điều chỉnh số ngày lẻ này, Dương lịch áp dụng quy tắc năm nhuận, cứ bốn năm lại thêm một ngày, đưa tổng số ngày của năm nhuận lên 366.
Ngược lại, Âm lịch hoạt động dựa trên chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng. Một tháng âm lịch, còn gọi là tháng sóc vọng, kéo dài khoảng 29,53 ngày. Do đó, một năm âm lịch thông thường chỉ có 354 hoặc 355 ngày, ngắn hơn dương lịch khoảng 11 ngày.
Để đồng bộ hóa với chu kỳ bốn mùa và giảm thiểu chênh lệch giữa Âm lịch và Dương lịch, hệ thống Âm lịch áp dụng bằng cách tính thêm một tháng nhuận. Quy tắc này giúp Âm lịch gần khớp với chu kỳ của Dương lịch, đặc biệt là năm hồi quy (chu kỳ chuyển động thực tế của Trái Đất quanh Mặt Trời).
Năm 2025 là năm Ất Tỵ, một năm nhuận theo Âm lịch khi có tới 384 ngày với hai tháng 6 âm lịch là tháng 6 thường và tháng 6 nhuận. Hiện tượng thêm tháng nhuận không chỉ xuất hiện ngẫu nhiên mà tuân theo chu kỳ 19 năm, được gọi là chu kỳ Meton. Trong 19 năm dương lịch, có 228 tháng dương lịch nhưng tới 235 tháng âm lịch, dư ra 7 tháng. Những tháng dư này được quy định là các tháng nhuận và phân bổ vào các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17, và 19 trong chu kỳ.
Một cách tính đơn giản để xác định năm nhuận theo Âm lịch là chia năm đó cho 19. Nếu số dư là một trong các số: 0, 3, 6, 9, 11, 14, hoặc 17, thì năm đó có tháng nhuận.
Việc điều chỉnh tháng nhuận không chỉ đảm bảo Âm lịch phản ánh đúng chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng mà còn giữ cho các mùa và tiết khí không bị lệch xa so với thực tế. Điều này giúp lịch Âm phù hợp với nông nghiệp, lễ hội và các hoạt động văn hóa truyền thống.
Vì sao nhuận tháng 6 mà không phải các tháng khác?
Tháng nhuận được sắp xếp vào các tháng không có trung khí - khái niệm xuất phát từ quy luật chuyển động của Trái đất và Mặt trời. Theo đó, quỹ đạo Mặt trời qua các chòm sao gọi là hoàng đạo được chia thành 12 khoảng cách đều nhau và mỗi khoảng ứng với thời gian một tháng, bắt đầu từ điểm xuân phân (ngày 21/3 dương lịch). Các khoảng này gọi là cung hoàng đạo, dài 30 độ và mang những tên riêng: Xuân phân, Cốc vũ, Tiểu mãn, Hạ chí, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí, Đại hàn, Vũ thủy. Ngày Mặt trời đi qua điểm giữa của mỗi cung được gọi là ngày trung khí.
Các nhà làm lịch chia mỗi cung thành hai phần, bắt đầu từ các điểm Thanh minh, Lập hạ, Mang chủng, Tiểu thử, Lập thu, Bạch lộ, Hàn lộ, Lập đông, Đại tuyết, Tiểu hàn, Lập xuân và Kinh trập. Tổng cộng có 24 điểm, cách nhau 15 độ. Ngày Mặt trời đi vào mỗi cung, ngoại trừ các cung có ngày trung khí, được gọi là ngày tiết khí. Như vậy, có 12 ngày trung khí và 12 ngày tiết khí. Theo quy tắc này, năm Ất Tỵ - 2025 là năm nhuận, với tháng nhuận rơi vào tháng 6.
Vị trí của tháng nhuận không được đặt tùy ý mà phải tuân thủ quy luật, nhằm đảm bảo sự tương thích giữa âm lịch và dương lịch, giảm thiểu sai lệch. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu năm nhuận có ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu hay không.
Theo nhiều lý giải cho rằng, Mặt trời có đường kính lớn gấp 109 lần Trái đất và thể tích lớn hơn 1,3 triệu lần, cung cấp nguồn năng lượng chủ yếu cho hành tinh chúng ta, đồng thời chi phối sự hình thành và biến đổi của thời tiết, khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh Mặt trăng tác động đến thời tiết hay khí hậu, ngoại trừ ảnh hưởng đến thủy triều. Do đó, việc sử dụng âm lịch như nông lịch là không khả thi. Sự sai lệch lớn giữa âm lịch và dương lịch – vốn là lịch thời tiết – có thể gây ra mất mùa do gặp rét muộn hoặc nóng sớm.