Từ thảm kịch hàng không khiến 38 người thiệt mạng, 28 người may mắn thoát chết ở Kazakhstan: Ngồi ở đuôi máy bay có tỷ lệ sống sót cao hơn khi xảy ra sự cố?
(Thị trường tài chính) - Theo dữ liệu từ Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), tỷ lệ sống sót của hành khách ngồi ở phía đuôi cao hơn 40% so với các vị trí khác.
Ngày 25/12, một chiếc máy bay Embraer 190 của hãng hàng không Azerbaijan Airlines gặp nạn khi đang trên hành trình từ Baku, Azerbaijan, đến Grozny, Nga. Theo Phó Thủ tướng Azerbaijan Kanat Bozumbaev, vụ tai nạn khiến 38 người thiệt mạng, chỉ có 28 người sống sót sau thảm kịch. Điều đáng chú ý là phần lớn những hành khách sống sót ngồi ở khu vực đuôi máy bay, làm dấy lên câu hỏi được rất nhiều người quan tâm: vị trí nào trên máy bay là an toàn nhất trong trường hợp xảy ra tai nạn?
Theo dữ liệu từ Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), tỷ lệ sống sót của hành khách ngồi ở phía đuôi cao hơn 40% so với các vị trí khác. Nhiều nghiên cứu khác, bao gồm các báo cáo từ Time và Popular Mechanics, cũng chỉ ra rằng, qua hàng thập kỷ, những hành khách ngồi ở phần sau máy bay có khả năng sống sót cao hơn.
Chuyên gia an toàn hàng không Daniel Kwasi Adjekum đến từ Đại học Bắc Dakota, giải thích rằng phần phía sau máy bay thường giữ được trạng thái nguyên vẹn tốt hơn khi xảy ra va chạm. Ngược lại, phần đầu máy bay, mặc dù ít ồn và được nhiều hành khách yêu thích, lại là nơi chịu tác động trực tiếp trong nhiều trường hợp tai nạn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thực tế cũng ủng hộ giả thuyết rằng phần đuôi là khu vực an toàn hơn. Một ví dụ điển hình là thảm họa Tenerife năm 1977 - một trong những vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Khi hai chiếc Boeing 747 của KLM và Pan Am va chạm tại sân bay Tenerife Norte, toàn bộ 234 hành khách và 14 thành viên phi hành đoàn trên máy bay KLM đều tử vong. Trong khi đó, 61 người sống sót trên máy bay Pan Am lại ngồi ở phần trước, thay vì phần sau.
Tương tự, vụ tai nạn chuyến bay 232 của United Airlines tại Sioux City, Iowa, Mỹ, vào năm 1989, lại cho thấy khu vực giữa máy bay là nơi tập trung nhiều người sống sót nhất. Những kết quả này cho thấy không có một công thức chung nào áp dụng cho mọi trường hợp tai nạn hàng không.
Một nghiên cứu năm 2008 của Đại học Greenwich nhấn mạnh rằng yếu tố quyết định cơ hội sống sót không chỉ nằm ở vị trí ngồi mà còn phụ thuộc vào khoảng cách đến lối thoát hiểm. Những hành khách ngồi gần lối thoát hiểm thường có khả năng thoát nạn cao hơn, đặc biệt trong các vụ cháy sau va chạm.
Mỗi vụ tai nạn hàng không đều có những đặc điểm riêng. Khi phần đuôi máy bay chịu tác động mạnh nhất, hành khách ngồi tại đây sẽ đối mặt với rủi ro cao hơn so với các khu vực khác. Ngược lại, nếu phần đầu máy bay bị va chạm trực diện, hành khách ở đây thường chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng khẳng định rằng không có vị trí nào trên máy bay được coi là "an toàn tuyệt đối". Theo một báo cáo phân tích các vụ tai nạn hàng không từ năm 1985 đến 2020, tỷ lệ tử vong ở khu vực giữa máy bay là 39%, trong khi phần trước và sau lần lượt là 38% và 32%. Đáng chú ý, các ghế gần lối đi ở khu vực giữa có tỷ lệ tử vong cao nhất, lên tới 44%.
Nhìn chung, cơ hội sống sót trong các vụ tai nạn hàng không phụ thuộc nhiều hơn vào may mắn và hoàn cảnh cụ thể của vụ việc hơn là vị trí ngồi. Do đó, thay vì quá chú trọng đến việc chọn chỗ ngồi, hành khách nên tuân thủ các quy định an toàn và nắm rõ vị trí lối thoát hiểm để tăng cơ hội thoát nạn trong trường hợp sự cố xảy ra.