HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Tỉnh miền Bắc sắp 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương vừa có thêm 9 di tích lịch sử cấp tỉnh

Quang Hồng

(Thị trường tài chính) - Việc được xếp hạng sẽ là cơ sở để chính quyền và nhân dân các địa phương tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này.

UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3440/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Tỉnh miền Bắc sắp 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương vừa có thêm 9 di tích lịch sử cấp tỉnh - ảnh 1

Khu di tích tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hiệp Lực được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Ảnh: Báo Hải Dương 

Theo đó, Hải Dương đã có thêm 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, bao gồm: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Trần Phú (Nam Sách); khu di tích tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hiệp Lực; đình Đồng Lại, xã Ứng Hòe (cùng huyện Ninh Giang); đình Đích Sơn, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn); đình Côi Thượng, xã Phạm Trấn (Gia Lộc); đình - chùa Bằng Lai, xã Ngũ Phúc (Kim Thành); đình Cả, phường Chí Minh (TP Chí Linh); đình Phúc Duyên, phường Hải Tân (TP Hải Dương); nghè Hoạch Trạch và bia văn chỉ Đường An, xã Thái Minh (Bình Giang).

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã nơi có di tích thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. 

Tỉnh miền Bắc sắp 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương vừa có thêm 9 di tích lịch sử cấp tỉnh - ảnh 2

Nghè làng Hoạch Trạch. Ảnh: Internet

Được biết, trên đây đều là những di tích tiêu biểu, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của địa phương cũng như của tỉnh. Việc được xếp hạng sẽ là cơ sở để chính quyền và nhân dân các địa phương tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 4 di tích, khu di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 280 di tích cấp tỉnh. Trong đó, từ năm 2021 đến nay, 181 lượt công trình đã được tu bổ, tôn tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối tại các di tích với tổng số tiền lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Những nỗ lực này nhằm góp phần bảo vệ, giữ gìn cũng như phát huy giá trị của các di tích.

Hải Dương, với vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế và hạ tầng để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, Hải Dương là tỉnh duy nhất trong Vùng Thủ đô nhưng không giáp ranh với Hà Nội, tạo ra những thách thức và cơ hội phát triển riêng biệt.