Tiến sĩ Toán đầu tiên của Việt Nam làm rạng danh Toán học nước nhà: Xuất thân trong gia đình có truyền thống hiếu học, 33 tuổi đã giữ chức Hiệu trưởng của 2 trường đại học
(Thị trường tài chính) - Ông là người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển Toán học nước nhà.
Người Việt Nam đầu tiên đạt danh hiệu Tiến sĩ Toán học
Giáo sư Lê Văn Thiêm (1918-1991) là người Việt Nam đầu tiên đạt danh hiệu Tiến sĩ Toán học, góp phần đặt nền móng vững chắc cho Toán học hiện đại ở Việt Nam. Với sự nghiệp khoa học đồ sộ và những cống hiến to lớn, ông đã trở thành biểu tượng của Toán học Việt Nam thế kỷ 20. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: Hiệu trưởng Đại học, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam đầu tiên và Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học.
Sinh ra ở Hà Tĩnh trong một gia đình hiếu học, Lê Văn Thiêm sớm bộc lộ khả năng học tập xuất sắc. Sau khi mồ côi cha mẹ, ông theo anh trai vào Quy Nhơn học tại Trường Quốc học Quy Nhơn. Chỉ trong bốn năm, ông đã hoàn thành chương trình học chín năm với thành tích đứng đầu. Hiệu trưởng Michel Casimir của Trường Quốc học Quy Nhơn khi ấy đã nhận xét: “Il ira plus loin que moi!” (Cậu ta sẽ tiến xa hơn tôi!).
Năm 1939, ông giành học bổng sang Pháp, trở thành sinh viên khoa Toán của Đại học Sư phạm Paris. Tuy nhiên, Thế chiến thứ hai đã làm gián đoạn việc học của ông và mãi đến năm 1944, ông mới hoàn thành bằng Thạc sĩ Toán. Không lâu sau đó, ông nhận học bổng sang Đức làm nghiên cứu Tiến sĩ tại Đại học Göttingen dưới sự hướng dẫn của Hans Wittich, một nhà toán học danh tiếng. Tháng 4/1946, Lê Văn Thiêm bảo vệ thành công luận án, trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt học vị Tiến sĩ Toán.
Năm 1948, ông tiếp tục bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học quốc gia tại Pháp với đề tài về các hàm phân hình dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Georges Valiron. Đến năm 1949, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên được mời giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sĩ.
Tầm nhìn sâu rộng đặt nền móng cho giáo dục Toán học Việt
Giáo sư Lê Văn Thiêm không chỉ là một nhà khoa học mà còn là một nhà lãnh đạo với tầm nhìn xa, góp phần xây dựng nền móng Toán học của Việt Nam. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ nhà khoa học trẻ và góp phần thành lập những tổ chức Toán học hàng đầu. Sự nghiệp và cống hiến của ông trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các thế hệ trẻ Việt Nam.
Năm 1949, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở về Việt Nam, tham gia kháng chiến, công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ. Đến năm 1951, ông được giao nhiệm vụ thành lập Trường Khoa học Cơ bản (sau là Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) và Trường Sư phạm Cao cấp (sau là Đại học Sư phạm Hà Nội). Khi chỉ mới 33 tuổi, ông đã đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của cả hai trường, đồng thời giảng dạy môn Cơ học lý thuyết. Từ năm 1957 đến 1970, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội và là Chủ nhiệm Khoa Toán.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Giáo sư Thiêm có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng về hàm biến phức trong lý thuyết nổ, đóng góp to lớn cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đất nước. Tiêu biểu, năm 1964, ông tham gia tính toán nổ mìn tại mỏ núi Voi để cung cấp đá xây dựng khu gang thép Thái Nguyên. Giai đoạn 1966-1967, ông hợp tác với các đơn vị quân sự và giao thông để tính toán nổ mìn xây dựng đường và nạo vét kênh nhà Lê từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Giáo sư Lê Văn Thiêm không ngừng tạo ra những dấu ấn đầu tiên trong Toán học Việt Nam. Năm 1966, ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam và năm 1975, ông đảm nhiệm chức Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học. Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Toán học phát triển mạnh mẽ, thu hút các nhà toán học tài năng và công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, đưa Toán học Việt Nam lên một tầm cao mới.
Ông cũng là tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí Toán học Việt Nam: Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics. Ngoài ra, ông góp phần thành lập lớp chuyên Toán và tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, đóng góp lớn trong giáo dục Toán học cho thế hệ trẻ.
Giáo sư Thiêm còn thúc đẩy hợp tác quốc tế, kết nối Toán học Việt Nam với thế giới. Ông đưa Hội Toán học Việt Nam gia nhập Hội Toán học Quốc tế và thiết lập quan hệ giữa Viện Toán học Việt Nam với Trung tâm Toán học Banach tại Ba Lan. Nhờ uy tín của ông, nhiều nhà toán học danh tiếng quốc tế đã đến Việt Nam hợp tác và hỗ trợ các nhà toán học trong nước.
Với những cống hiến to lớn, Giáo sư Lê Văn Thiêm được truy tặng Giảithưởng Hồ Chí Minh về khoa học tự nhiên và kỹ thuật vào năm 1996, cùng nhiều huân chương cao quý khác. Thành tựu và đóng góp của ông mãi mãi là niềm tự hào và nguồn cảm hứng cho ngành Toán học Việt Nam.