HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Thị xã lâu đời nhất Việt Nam có từ đời Hùng Vương, 6 năm nữa sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Đây từng được biết đến là làng cổ thuần nông có từ thời kỳ Hùng Vương, đã trải qua lịch sử hàng nghìn năm.

Làng Phú Thọ là một ngôi làng Việt cổ thuần nông nằm ven sông Hồng, đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử đầy thăng trầm. Theo truyền thuyết, vào thời vua Hùng Vương thứ 18, con trưởng của Bảo Quốc Công Đại tướng Ma Khê đã dẫn một bộ phận cư dân họ Ma từ núi Đọi (huyện Cẩm Khê) đến đây cư trú và hợp nhất với các khu dân cư cũ của làng, lúc đó được gọi chung là động Phú An.

Trải qua nhiều triều đại từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, tên gọi Phú An vẫn được giữ nguyên. Mãi đến năm 1890, dưới triều vua Thành Thái (triều Nguyễn), động Phú An mới được đổi tên thành làng Phú Thọ.

Thị xã lâu đời nhất Việt Nam có từ đời Hùng Vương, 6 năm nữa sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh - ảnh 1

Thị xã Phú Thọ cổ kính bên dòng sông Thao. Ảnh: Wikipedia

Sau nhiều biến đổi lịch sử, làng Phú Thọ đã phát triển và trở thành thị xã Phú Thọ vào ngày 5/5/1903. Ban đầu, thị xã chỉ có 6 phố và 2 khu dân cư, nhưng đến nay, đã mở rộng với 9 đơn vị hành chính (bao gồm 4 phường và 5 xã) và 62 khu dân cư, trải rộng trên tổng diện tích 6.520ha.

Đến năm 2024, thị xã Phú Thọ đã trở thành thị xã lâu đời nhất trong số 51 thị xã của Việt Nam, với 121 năm tuổi. Thị xã cách TP. Việt Trì khoảng 30km, là điểm giao thoa giữa Đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi trung du.

Ngoài bề dày văn hóa, thị xã Phú Thọ còn gắn liền với nhiều lễ hội truyền thống, nổi bật nhất là lễ hội đền Trù Mật. Đền Trù Mật - chùa Thắng Sơn được xây dựng từ năm Canh Ngọ 970, dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Năm 1999, đền Trù Mật - chùa Thắng Sơn được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Thị xã lâu đời nhất Việt Nam có từ đời Hùng Vương, 6 năm nữa sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh - ảnh 2

Lễ hội đền Trù Mật. Ảnh: Internet

Bên cạnh các di tích lịch sử, thị xã Phú Thọ còn nổi tiếng với nhiều đặc sản quê hương như rau sắn, trám om kho cá, chè Phú Hộ, và đặc biệt là các loại bánh lâu đời như bánh tai Phú Thọ, bánh tẻ Hà Thạch và bánh trung thu đặc trưng của thị xã.

Theo quyết định của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về “Quy hoạch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đến năm 2030, tỉnh sẽ nâng cấp thị xã Phú Thọ lên thành phố. Hiện tại, thị xã Phú Thọ là đô thị loại III; dự kiến đến năm 2030 địa phương sẽ đạt tiêu chí đô thị loại II.

Về quy hoạch, trong tương lai, cùng với TP. Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Cẩm Khê, Thanh Ba, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ có vai trò động lực phát triển kinh tế về công nghiệp, xây dựng, trung tâm văn hóa lễ hội, dịch vụ, hành chính của tỉnh. Khu vực này tiếp tục thu hút đầu tư phát triển, trong đó tập trung vào 2 tuyến hành lang kinh tế dọc 2 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Bắc - Nam phía Tây, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, từ nay đến 2030, vùng liên huyện của thị xã Phú Thọ còn trở thành vùng động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, các lĩnh vực về giáo dục, y tế và logistics của tỉnh.