Thành phố có tốc độ già hóa nhanh nhất Việt Nam
(Thị trường tài chính) - Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tại thành phố này sẽ chiếm 20% (khoảng 1,8 triệu người).
Vào ngày 11/12, Sở Y tế TP. HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số tại TP. HCM".
Theo báo Lao Động, tại buổi hội thảo, ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết rằng "thành phố mang tên Bác" là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước và hiện nay đang trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam.
TP. HCM có tốc độ già hóa dân số đứng đầu cả nước. Ảnh: Internet
Các số liệu chỉ ra rằng từ năm 2017, TP. HCM đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tại thành phố này sẽ chiếm 20% (khoảng 1,8 triệu người) và đến năm 2050, con số này có thể vượt qua 3 triệu người, chiếm hơn 30% tổng dân số.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Bộ môn Lão khoa, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết tình trạng dân số già hóa của Việt Nam đang gia tăng với tốc độ ngày càng nhanh, tạo ra những thách thức lớn trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với hiện tượng "già trước khi giàu". Mặc dù tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi vẫn là vấn đề đáng lo ngại, khi nhiều người phải đối diện với tình trạng "sống lâu nhưng không khỏe".
Để ứng phó với thách thức từ quá trình già hóa dân số, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân cho rằng cần thiết phải xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc dài hạn, bao gồm chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội và hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày cho người cao tuổi.
Khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Thảo Phương
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác công tư trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi sẽ giúp tận dụng được nguồn lực và chuyên môn từ cả hai phía. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho những người cao tuổi sống độc lập hoặc chỉ sống với vợ/chồng, nhằm giúp họ duy trì cuộc sống độc lập và chất lượng. Phát triển các dịch vụ chăm sóc tại nhà và các mô hình dịch vụ chăm sóc tích hợp cũng là một trong những vấn đề cần chú trọng.
Hơn nữa, chính sách y tế cần chú trọng vào việc cải thiện chất lượng bảo hiểm y tế, hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình khó khăn và tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở ở các khu vực nông thôn. Song song với đó, việc tăng cường giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi là rất quan trọng, giúp họ chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tật, giảm thiểu chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.