Tàu vũ trụ Nhật Bản mang về cho Trái Đất sinh vật sống khó hiểu, làm các nhà khoa học hoài nghi
(Thị trường tài chính) - Các vi sinh vật dạng sợi đã được phát hiện một cách bí ẩn trong mẫu vật được tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản thu thập từ tiểu hành tinh Ryugu.
Tiểu hành tinh Ryugu cách Trái Đất 200 triệu dặm đã mang đến cho các nhà khoa học một kho tàng vô giá để nghiên cứu. Mẫu vật mà tàu vũ trụ Nhật Bản Hayabusa2 mang về đã tiết lộ nhiều thông tin quý báu về thành phần hóa học của Ryugu. Gần đây, các nhà khoa học Anh đã có một phát hiện đáng chú ý khi tìm thấy dấu hiệu của sinh vật sống trong một trong những mẫu vật này. Tuy nhiên, đây có thể không phải là tin vui.
Theo Live Science, sau khi tàu Hayabusa2 trở về, các nhà nghiên cứu đã mở hộp chứa mẫu của nó trong một phòng chân với mục đích ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm. Sau đó, mẫu vật được lưu trữ trong phòng ni-tơ với áp suất cao trước khi chia vào nhiều bình chứa đầy ni-tơ để vận chuyển khắp thế giới. Và một mẫu trong số đó đã được gửi đến Đại học Hoàng gia London (Anh) cho các nhà khoa học.
Ngay khi mẫu đá vũ trụ quý giá về đến Trái Đất, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng bằng tia X. Kết quả ban đầu cho thấy bề mặt mẫu vật hoàn toàn vô trùng. Tuy nhiên, bất ngờ thay, sau khi nhúng mẫu vào nhựa để bảo quản và quan sát lại bằng kính hiển vi điện tử, một cảnh tượng đáng kinh ngạc đã hiện ra. Các nhà khoa học phát hiện những sinh vật đơn bào dạng sợi đang sinh sôi nảy nở trên bề mặt mẫu vật. Phát hiện này đã khiến cộng đồng khoa học không khỏi bàng hoàng và đặt ra nhiều câu hỏi.
Các nhà khoa học nghi ngờ rằng những vi khuẩn này có nguồn gốc từ Trái Đất, dựa trên hình thái và đặc điểm phát triển của chúng, vốn rất giống với các loài vi khuẩn đã được biết đến. Tuy nhiên, điều này đặt ra một câu hỏi lớn là nếu chúng đến từ Trái Đất thì làm thế nào có thể xâm nhập vào mẫu vật, trong khi các quy trình bảo quản và vận chuyển đều được thực hiện trong điều kiện vô trùng nghiêm ngặt.
Dù vậy, các nhà khoa học vẫn nghiêng về khả năng những vi sinh vật này có nguồn gốc từ Trái Đất hơn. Việc phát hiện chúng trong mẫu vật Ryugu cho thấy rõ sự phổ biến và khả năng sinh tồn của vi sinh vật trong môi trường khắc nghiệt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát ô nhiễm trong các nghiên cứu về mẫu vật vũ trụ.
Nhìn chung, cả hai giả thuyết, cho dù là vi sinh vật có nguồn gốc ngoài hành tinh hay Trái Đất, đều cần được kiểm chứng kỹ lưỡng qua các nghiên cứu sâu hơn.