Tàu trật bánh đâm sập cầu cạn, mái toa tàu bị xé toạc: Phong tỏa hiện trường trong đêm, công tác cứu hộ chìm trong bóng tối hoàn toàn
(Thị trường tài chính) - Khi tàu đi qua cầu cạn, một cơn gió mạnh bất ngờ thổi qua, khiến toa tàu gần đầu máy bị hất tung khỏi đường ray.
Đêm ngày 30/1/1925, khoảng 8 giờ tối tại cầu cạn Owencarrow, Donegal, phía Bắc Ireland, gió giật lên đến 120 dặm/giờ đã khiến các toa tàu của một đoàn tàu trật khỏi đường ray, đâm sập một phần cầu cạn. Mái của một toa tàu bị giật tung, khiến 4 hành khách tử vong và nhiều người khác bị thương nghiêm trọng.
Hiện trường được chụp vào ngày 31/1/1925, một ngày sau tai nạn. Ảnh: Internet
Tối hôm đó, một đầu máy kéo hai toa hành khách, một toa chở hàng và một xe kết hợp đang di chuyển trên tuyến đường sắt Londonderry và Lough Swilly Burtonport Extension, được khánh thành vào năm 1903. Trong thời gian hoạt động, tuyến đường này chưa từng gặp tai nạn nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, cầu cạn Owencarrow nằm trên tuyến đường được cảnh báo rất nguy hiểm trong điều kiện thời tiết xấu và đêm đó gió lại rất mạnh. Tàu tiến vào cầu cạn khi đang chở 14 hành khách sau chuyến hành trình từ ga Kilmacrenan lúc 7:52 tối.
Cầu cạn Owencarrow và đường tàu hỏa Burtonport. Ảnh: Internet
Người lái tàu khi đó không nhận thấy điều gì bất thường khi tiếp cận cầu cạn, chỉ biết rằng đó là một đêm rất bão bùng. Khi tàu đi qua cầu cạn, một cơn gió mạnh bất ngờ quét qua, khiến toa tàu gần đầu máy bị hất tung khỏi đường ray. Người lái tàu ngay lập tức kích hoạt phanh chân không và dừng tàu. Khi tàu dừng lại, một toa tàu chở hành khách nghiêng ngả trên bờ kè, toa chở hàng có mái che nằm trên tường bảo vệ, toa hành khách còn lại đã bị lật ngược.
Mái của các toa bị vỡ và do lực va chạm quá mạnh, hành khách bị hất ra khỏi toa rơi xuống thung lũng bên dưới. Tường đá của thành cầu cũng bị sụp đổ vì áp lực của cú va chạm, những khối đá lớn đổ ầm ầm lên những hành khách bị thương. Mặc dù vậy, đầu máy vẫn bám chắc vào đường ray và các khớp nối giữ chặt, treo lơ lửng những toa tàu bị lật ngang qua thành cầu. Trong số 14 hành khách, chỉ có một người không bị thương - cô Campbell bị hất ra khỏi toa lật ngược, sau đó lệch khỏi hướng rơi của các hành khách khác và đáp xuống vùng đất mềm lầy lội, lún sâu đến tận đầu gối.
Tin tức về thảm kịch nhanh chóng lan truyền khiến hiện trường bị phong tỏa ngay trong đêm, đội cứu hộ, thậm chí có cả các linh mục, bác sĩ và người dân địa phương đã vội vã đến hiện trường. Nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn do gió rét mạnh và mưa lớn. Công tác cứu hộ khi đó chìm trong bóng tối hoàn toàn, chỉ nghe được tiếng kêu cứu của những người sống sót bị mắc kẹt, ánh sáng duy nhất có được đến từ những chiếc đèn bão và việc giữ chúng sáng cũng là một vấn đề lớn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt đêm đó.
Cầu cạn Owencarrow vào thế kỷ 21. Ảnh: Jacqui Reed
Kết thúc cuộc điều tra sau đó, Ban hội thẩm kết luận tất cả các trường hợp tử vong đều do chấn thương gây ra. Họ cho rằng nếu một đoạn đường ray được xây dựng đúng cách và chạy suốt chiều dài của cầu cạn, từ đoạn này sang đoạn kia mà không có khoảng trống thì sẽ không có ai thiệt mạng. Họ cũng kết luận thêm là người lái tàu không có lỗi gì trong sự việc này.