Tàu hỏa chở theo hơn 2.000 hành khách bị sóng thần hất văng: 8 toa tàu bị phá hủy, hành khách bị chôn vùi trong đống đổ nát, Chính phủ khẩn cấp triển khai các phương án cứu hộ
(Thị trường tài chính) - Đây được coi là thảm họa đường sắt nghiêm trọng, có nhiều người thiệt hại nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong lịch sử ngành đường sắt đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn kinh hoàng và cướp đi sinh mạng của hàng trăm, hàng nghìn hành khách, công nhân đường sắt và những người không may gặp phải. Một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 26/12/2004.
Vào lúc 6h50 sáng ngày 26/12/2004, chuyến tàu lửa mang ký hiệu T50, được kéo bởi đầu máy 591 Manitoba - một sản phẩm của General Motors Diesel sản xuất năm 1956, phát lên hồi còi dài trước khi từ từ lăn bánh rời nhà ga. Trên chuyến tàu ấy có hơn 1.500 hành khách mua vé trả tiền ngay, 700 người mua vé trả sau và không ít hành khách trốn vé.
Shanthi Gallage, một hành khách trên chuyến tàu, kể lại: "Các toa đều đông chật người, thậm chí nhiều người còn đu bám bên ngoài, trên các bậc lên xuống và cả nóc toa, nhưng chẳng ai quan tâm vì đây là cảnh quen thuộc của dân trốn vé".
Tuyến đường sắt này nối liền thành phố Colombo với Matara, chạy dọc bờ biển phía Tây Nam của Sri Lanka. Trước đó, vào lúc 5h sáng, Trạm quan sát địa chấn ở Pallekele đã ghi nhận một trận động đất mạnh 9,3 độ Richter, xuất phát từ độ sâu 30km phía Bắc đảo Simeulue, ngoài khơi bờ biển phía Tây Sumatra, Indonesia. Tuy nhiên, các chuyên gia khi đó cho rằng nếu có sóng thần, nó cũng khó lòng tới được Sri Lanka.
Đến 9h sáng, Trung tâm cảnh báo sóng thần châu Á - Ấn Độ Dương phát đi thông báo khẩn cấp: những đợt sóng thần cao tới 30m, hậu quả của trận động đất, đang đổ về các bờ biển của Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ. Ngay lập tức, Văn phòng Điều phối Đường sắt Sri Lanka ra lệnh ngừng tất cả 8 chuyến tàu chạy dọc bờ biển. Thế nhưng, tại nhà ga Matara, không ai nghe điện thoại trong khi đoàn tàu T50 vẫn tiếp tục hành trình từ Colombo đến thành phố này.
9h27 sáng, tại thị trấn Peraliya, gần Telwatta, một đám đông tò mò tụ tập, dõi mắt nhìn con sóng khổng lồ đang tiến vào từ ngoài khơi mà không biết rằng đó chính là sóng thần. Damayanthi, một cư dân sống trên tầng ba của một tòa nhà cách bờ biển khoảng 1km, kể lại: “Khi con sóng đến gần bờ, mọi người mới nhận ra sự nguy hiểm. Họ hoảng loạn bỏ chạy, nhưng đã quá muộn. Sóng ập vào và cướp đi hơn 100 sinh mạng, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em”.
Lúc này, tàu T50 cũng vừa tới nơi. Khi đợt sóng thứ hai cao hơn 6m ập vào, nhiều hành khách vẫn tin rằng với sức nặng của đoàn tàu, sóng sẽ không thể làm gì được họ. Một số còn trèo lên nóc toa để tận mắt chứng kiến cảnh tượng "nghìn năm có một".
Chỉ 4 phút sau, đợt sóng thứ ba tràn đến. Những người sống sót không thể ước lượng chính xác chiều cao của nó, nhưng nó đã nhấc bổng cả đoàn tàu lên, ném vào những hàng cây và nhà cửa hai bên đường ray. Hầu như toàn bộ hành khách trong 8 toa tàu đều chịu tác động khủng khiếp của cơn sóng thần, nhiều người tử vong vì va đập và ngạt nước.
Đầu máy 591 Manitoba bị sóng cuốn đi xa hơn 100m, rơi xuống một đầm lầy. Cả lái tàu Janaka Fernando và phụ lái Sivaloganathan đều tử vong. Sau này, nhờ vào dấu mực nước in trên tường của một tòa nhà, người ta mới biết rằng đợt sóng đánh văng tàu T50 cao tới hơn 10m.
Khung cảnh tan hoang sau thảm họa năm 2004. Ảnh: Sky News
Do thảm họa xảy ra quá lớn và quá khủng khiếp, trải dài gần một nửa bờ biển Sri Lanca nên các đội cứu hộ không thể có mặt kịp thời; trong khi Văn phòng điều phối đường sắt Sri Lanca cũng chẳng hề biết đoàn tàu T50 đang ở đâu khi sóng thần ập đến vì không liên lạc được.
Mãi đến 4h chiều, một trực thăng của Không quân Sri Lanca mới phát hiện những toa tàu nằm tơi tả, ngả nghiêng. Nhiều người bị thương nặng, bị chôn vùi trong những đống đổ nát đành chịu chết sau vài tiếng đồng hồ vì không còn ai đào bới, tìm kiếm họ.
Theo chính quyền Sri Lanca, trong tổng số hơn 2.000 hành khách, có 150 người trên tàu sống sót nhưng chỉ có 900 tử thi được tìm thấy. Số còn lại bị sóng cuốn ra biển. Thị trấn Peraliya bị phá hủy nặng nề, hơn 200 cư dân thị trấn thiệt mạng. Một số xác tìm được nhưng không thể xác định danh tính.
Ông Wanigaratne Karunathilake - một trong những người bảo vệ trên tàu khi thảm họa xảy ra, vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại sự kiện kinh hoàng đó.
Ông từng kể lại với kênh Channel News Asia vào năm 2014, đúng 10 năm sau thảm họa: “Khi con tàu đến làng Peraliya, nó bị sóng thần đánh trúng. Cơn sóng đầu tiên chỉ làm hư hại một toa tàu, không có ai bị thương hay thiệt mạng. Nhưng cơn sóng thứ hai đẩy con tàu trật khỏi đường ray và gây ra cái chết cho rất nhiều người”.
Ông Karunathilake là một trong những người may mắn sống sót vì ông trèo qua được cửa sổ để thoát ra bên ngoài. Còn những người khác mắc kẹt bên trong và bị nhấn chìm dưới làn nước.
Một nhân chứng khác kể lại với BBC rằng, đột nhiên đoàn tàu dừng lại, nước biển ập vào và dâng lên rất cao. Ảnh: AFP
Sau thảm họa, viện trợ quốc tế đổ về giúp đỡ Sri Lanka, Chính phủ cũng cam kết xây dựng lại nhà cửa cho những khu vực bị tàn phá. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình đã phải rời bỏ làng mạc và tìm nơi định cư mới do hậu quả của sóng thần.
Sau thảm họa, Sri Lanca ngoài việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm sóng thần, ngành đường sắt nước này còn tiến hành kiện toàn hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt và các quy định trực ban chạy tàu cũng chặt chẽ hơn.
Theo BBC, Channel News Asia, Sri Lanca Library, Báo BRVT