‘Siêu’ dự án sân vận động sức chứa 'khủng' 100.000 chỗ, tiêu tốn 1,7 tỷ USD: Kỳ quan 'bông sen' chưa nở đã bị thu hồi, rao bán
(Thị trường tài chính) - Dự án khởi công vào năm 2020 được thiết kế với hình dáng hoa sen độc đáo và từng hứa hẹn sẽ trở thành một kỳ quan kiến trúc hiện đại.
Sân vận động Evergrande tại Quảng Châu, Trung Quốc, từng được kỳ vọng là một công trình vĩ đại, không chỉ là biểu tượng mới của bóng đá Trung Quốc mà còn là niềm tự hào quốc gia, đã chính thức bị thu hồi và rao bán.
Sân vận động bóng đá Guangzhou Evergrande thời điểm đang xây dựng (Ảnh: Internet)
Theo thông tin trên Mirror, dự án khởi công vào tháng 4/2020, sân vận động Evergrande được thiết kế với hình dáng hoa sen độc đáo, mang đậm nét văn hóa Trung Quốc, hứa hẹn trở thành một kỳ quan kiến trúc hiện đại.
Dự án này được ước tính tiêu tốn khoảng 1,7 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Ban đầu, nó được kỳ vọng sẽ trở thành sân vận động lớn nhất thế giới với sức chứa khổng lồ 100.000 khán giả, vượt qua cả những công trình danh tiếng như Nhà hát Opera Sydney hay tòa nhà Burj Khalifa. Tuy nhiên, dù được đầu tư kỹ lưỡng và nhận được sự kỳ vọng lớn, dự án này đã nhanh chóng gặp khó khăn khi tập đoàn Evergrande lâm vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Sân vận động Evergrande từng được thiết kế với hình dáng hoa sen độc đáo (Ảnh: Internet)
Evergrande, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã phải đối mặt với các vấn đề tài chính từ năm 2021, khi không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn và buộc phải đình chỉ nhiều dự án xây dựng lớn trên toàn quốc.
Ban đầu, nó được kỳ vọng sẽ trở thành sân vận động lớn nhất thế giới với sức chứa khổng lồ (Ảnh: Internet)
Vào tháng 11/2021, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định thu hồi sân vận động Evergrande và cố gắng tìm kiếm các đối tác tiềm năng để bán lại dự án này, nhưng không thành công.
Với việc dự án bị thu hồi, giấc mơ về một sân vận động "siêu khủng" của Trung Quốc đã tan vỡ. Thay vì trở thành một biểu tượng mới của thể thao và kiến trúc, sân vận động Evergrande lại trở thành biểu tượng của sự thất bại trong việc quản lý tài chính của một trong những tập đoàn lớn nhất nước này.