HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Siêu cường gần Việt Nam sắp xây ‘đập Tam Hiệp’ trong vũ trụ cách Trái đất 36.000km

Minh Phát

(Thị trường tài chính) - Dự án bao gồm triển khai tấm năng lượng mặt trời khổng lồ rộng 1km trên quỹ đạo để thu năng lượng mặt trời và truyền xuống mặt đất.

Chỉ vài tuần sau khi công bố kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Zangbo ở Tây Tạng với công suất gấp ba lần đập Tam Hiệp hiện tại, Trung Quốc tiếp tục hé lộ dự án mới đầy tham vọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhà khoa học tên lửa Long Lehao đã chia sẻ bản thiết kế của dự án tại một sự kiện do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tổ chức vào tháng 10/2024. Theo ông, mục tiêu là sử dụng tên lửa siêu nặng để lắp đặt nhà máy điện mặt trời trên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái đất 36.000 km, nơi nó có thể thu thập năng lượng mặt trời liên tục. Ông so sánh: "Việc này có ý nghĩa như di chuyển đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh."

Dự án bao gồm triển khai tấm năng lượng mặt trời khổng lồ rộng 1km trên quỹ đạo để thu năng lượng mặt trời và truyền xuống mặt đất. Ông Long cho biết: "Hãy thử hình dung việc lắp đặt một tấm pin mặt trời rộng khoảng 1km dọc theo quỹ đạo địa tĩnh dài 36.000 km. Năng lượng thu được trong một năm từ dự án này sẽ tương đương tổng lượng dầu có thể khai thác được từ Trái đất".

Siêu cường gần Việt Nam sắp xây ‘đập Tam Hiệp’ trong vũ trụ cách Trái đất 36.000km - ảnh 1
Mô phỏng nhà máy điện mặt trời trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: Green.org

Theo SCMP, dự án đã được cộng đồng quốc tế ví như "Dự án Manhattan" của ngành năng lượng, hứa hẹn cung cấp nguồn điện liên tục bất kể mùa hay chu kỳ ngày đêm. Ngoài ra, mật độ năng lượng trong không gian cao gấp 10 lần so với trên bề mặt Trái đất, mở ra tiềm năng lớn cho việc khai thác năng lượng sạch.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Trung Quốc cần phát triển các tên lửa siêu nặng có khả năng mang khối lượng lớn lên quỹ đạo. Tên lửa Trường Chinh 9 (CZ-9), do nhóm của ông Long phát triển, được kỳ vọng sẽ đảm nhận vai trò chính trong dự án. Với chiều cao 110 m và khả năng mang tới 150 tấn hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất thấp, CZ-9 vượt trội so với các tên lửa đẩy hạng nặng hiện nay như Saturn V hay SLS của NASA. Ông Long nhấn mạnh: "Mục đích chính của tên lửa này là xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong vũ trụ."

Đập Tam Hiệp hiện tại nằm ở miền trung Trung Quốc trên thượng nguồn sông Dương Tử, là dự án thủy điện lớn nhất thế giới với công suất phát điện hàng năm đạt khoảng 100 tỉ kWh. Theo NASA, công trình này khổng lồ đến mức, nó đã làm chậm tốc độ quay của Trái đất 0,6 micro giây. Với dự án mới, Trung Quốc một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu trong việc khai thác và ứng dụng các công nghệ năng lượng tái tạo quy mô lớn.