Sập cầu treo ngay giữa giờ cao điểm, hơn 100 ô tô và xe tải lao xuống sông: Huy động cảnh sát, lính cứu hỏa, hàng chục thợ lặn đến hiện trường
(Thị trường tài chính) - Nhiều ô tô và xe tải xếp thành hàng dọc theo bờ sông, bật đèn pha để chiếu sáng cho mặt nước tối tăm.
Cầu Silver là một cây cầu treo dạng mắt xích được xây dựng vào năm 1928 ở Mỹ, nối liền tuyến đường U.S. Route 35 qua sông Ohio, kết nối thành phố Point Pleasant, West Virginia và Gallipolis, Ohio. Mặc dù tên chính thức của nó là cầu Point Pleasant, nhưng nó thường được gọi là cầu Silver (cầu Bạc) vì lớp sơn nhôm màu bạc đặc trưng.
Vào ngày 15/12/1967, cầu Silver sập trong giờ cao điểm khi lượng xe cộ đông đúc khiến 46 người thiệt mạng, trong đó có 2 người không bao giờ được tìm thấy. Cây cầu bị sập sau đó đã được thay thế bằng cầu Silver Memorial, hoàn thành vào năm 1969.
Những mảnh thép xoắn đánh dấu vị trí cầu Bạc sụp xuống sông Ohio. Ảnh: Courtesy of the Ohio State Highway Patrol
Một nhân chứng làm việc tại cửa hàng đồ uống gần cây cầu khi đang quan sát dòng xe cộ đông đúc khi bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ lớn. Người này kể với tờ Plain Dealer rằng âm thanh đó giống như một tiếng nổ siêu thanh và sau đó "cây cầu bắt đầu gập lại và sụp xuống như một dãy domino đang đổ. Những chiếc xe bị nghiền nát như đồ chơi trong các dầm cầu". Chỉ mất 20 giây để toàn bộ cây cầu chìm xuống sông.
Xe ô tô và xe tải bị mắc kẹt do dầm thép rơi xuống ở mỗi đầu cầu khi cây cầu sụp đổ. Ảnh: Courtesy of the Ohio State Highway Patrol
Chỉ vài phút sau vụ tai nạn khi đó, cảnh sát, lính cứu hỏa và các đội cứu hộ khác bắt đầu đến hiện trường từ cả hai bên bờ sông. Tuy nhiên, họ gần như không thể làm gì. Nhiều phương tiện đã bị chìm dưới nước, trong khi những chiếc xe khác bị kẹt trong đống thép vặn vẹo, đổ xuống trên các xe bị ngập trong sông. Một số thuyền nhỏ đã được triển khai để tìm kiếm người sống sót. Các cơ quan chức năng địa phương ước tính có đến hơn 100 ô tô và xe tải đã lao xuống sông. Vào thời điểm đó, sông Ohio có độ sâu từ 9-21m, nước chảy xiết.
Khi đó, không có cần cẩu hạng nặng gắn trên sà lan sẵn sàng để sử dụng làm thiết bị cứu hộ. Những cần cẩu di động được đưa đến bờ sông không đủ mạnh để nâng các chiếc xe nặng lên khỏi mặt nước. Một chiếc xe kéo lớn đã cố gắng kéo một chiếc ô tô ra lên nhưng sức nặng quá lớn khiến xe kéo bị rách cơ cấu lái.
Nhiều ô tô và xe tải xếp thành hàng dọc theo bờ sông, bật đèn pha để chiếu sáng cho mặt nước tối tăm. Những chiếc đèn pha công suất lớn được gắn lên cây cối và một số đống đổ nát của cây cầu để chiếu sáng cho các nhân viên cứu hộ làm việc. Dịch vụ điện thoại địa phương bị quá tải vì các đường dây bị tắc nghẽn bởi hàng trăm người hoảng loạn gọi điện cho người thân để xem họ có an toàn không.
Đường dẫn lên cầu cũng trở thành cái bẫy cho nhiều ô tô và xe tải khi cây cầu đổ đổ sụp. Ảnh: Courtesy of the Ohio State Highway Patrol
Khi bóng tối buông xuống, hàng trăm người đã tụ tập ở bờ sông. Các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã huy động các tình nguyện viên, hàng chục thợ lặn tình nguyện. Đến rạng sáng ngày hôm sau, chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ đã kết thúc, việc này đã chuyển thành nhiệm vụ tìm kiếm các thi thể.
Quân đội Mỹ sau đó đã điều động Đội Kỹ sư Quân sự với 5 chiếc cần cẩu gắn trên sà lan. Các thợ lặn chuyên nghiệp cũng đã đến với đầy đủ thiết bị. Tuy nhiên, khi các thợ lặn mặc bộ đồ cồng kềnh và mũ bảo hiểm, nối với ống thở, rồi lặn xuống sông, họ gặp phải nhiều khó khăn do dòng chảy mạnh mưa lớn khi đó đã khiến sông dâng cao và làm nước đục ngầu, không thể nhìn thấy gì dưới nước.
Quân đoàn Công binh Hoa Kỳ đưa đưa những chiếc ô tô và xe tải bị chìm, mắc kẹt trong dầm thép của đống đổ nát lên bằng cần cẩu. Ảnh: Courtesy of the Ohio State Highway Patrol
Chỉ vài giờ sau khi cây cầu sập, Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã bắt đầu cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân. Cùng với các ô tô và xe tải được vớt từ sông, các thợ lặn và cần cẩu đã đưa lên những tấm thép từng là phần của cây cầu. Các nhà điều tra đã sử dụng một khu đất gần đó để tái dựng lại cầu một cách lỏng lẻo trong quá trình tìm kiếm manh mối.
Sau gần ba năm rưỡi điều tra, vào tháng 4/1971, Hội đồng đã công bố kết quả. Theo báo cáo, nguyên nhân ldo "một vết nứt vỡ ở phần dưới của mắt xích 330 tại khớp C13N của dãy treo cầu phía Bắc ở nhịp cầu phía bờ Ohio. Vết nứt này do sự phát triển của một lỗi có kích thước lớn qua 40 năm tồn tại của công trình”. Báo cáo cũng cho biết, phần thép bị ăn mòn và gãy gây ra sự cố sập cầu nằm ở vị trí không thể nhìn thấy nếu không tháo dỡ cầu.
Cây cầu mới Silver Memorial sau đó được xây dựng cách vị trí của cây cầu cũ khoảng một dặm. Ảnh: Internet
Cây cầu mới Silver Memorial sau đó được xây dựng cách vị trí của cây cầu cũ khoảng một dặm về phía Nam, giữa Gallipolis và Henderson, West Virginia. Cây cầu mới mở cửa giao thông đúng 2 năm sau khi cầu cũ sập, vào ngày 15/12/1969. Khác với cầu Silver cũ, cây cầu mới là một cầu kiểu cantileve, chỉ cần hỗ trợ ở một bên mỗi nhịp cầu, được xem là một loại cầu an toàn hơn nhiều cho lưu lượng giao thông lớn.
Thảm họa cầu Silver cũng đã thúc đẩy việc ban hành các luật liên bang mới về kiểm tra cầu và giới hạn tải trọng cho cầu khi trước năm 1967, không ban hành giới hạn tải trọng cho cầu.