Phó Giáo sư, Hiệu trưởng trường dân lập duy nhất Việt Nam có bài Toán được đưa vào đề thi Olympic Toán quốc tế
(Thị trường tài chính) -Với những đóng góp to lớn của mình, ông đã được Chính phủ công nhận chức danh Phó Giáo sư.
Truyền thống gia đình dạy học
Cố nhà giáo Văn Như Cương là một trong những nhân vật nổi bật với những đóng góp to lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy học ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha ông là giáo viên trường làng, và bốn trong sáu anh chị em của ông đều nối bước cha đứng trên bục giảng. Đặc biệt, ba cô con gái của ông hiện cũng là những nhà giáo.
Năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa Toán tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, ông theo học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971. Khi về nước, ông trở thành giảng viên tại bộ môn Hình học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh.
Ông là người sáng lập và cũng là hiệu trưởng của trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam – Trường THPT Lương Thế Vinh. Ông còn là nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn Hình học, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia Việt Nam. Với những đóng góp to lớn của mình, ông đã được Chính phủ công nhận chức danh Phó Giáo sư.
Bài Toán đưa vào đề thi Olympic
Nhà giáo người Nghệ An từng có một bài Toán được đưa vào đề thi Olympic Toán (IMO) năm 1982. Cụ thể, bài Toán như sau: "Ngày xưa (ở xứ Nghệ) có một ngôi làng hình vuông mỗi cạnh 100km. Có một con sông chạy ngang quanh làng. Bất cứ điểm nào trong làng cũng cách con sông không quá 0,5 km (*).
Chứng mình rằng có 2 điểm trên sông có khoảng cách đường chim bay không quá 1 km, nhưng khoảng cách dọc theo dòng sông không ít hơn 198 km.
(Ta giả sử con sông có bề rộng không đáng kể)".
Nhiều chuyên gia đánh giá đây là bài Toán khó, độc đáo và muốn loại ra khỏi đề thi. Tuy nhiên, Giáo sư, Viện sĩ người Hungary R.Afred, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary và cũng là Chủ tịch IMO năm đó kiên quyết giữ lại. Bài Toán này là câu 6 của đề thi IMO 1982 và sửa lại như sau:
"Cho hình vuông S có độ dài cạnh là 100. L là một đường gấp khúc không tự cắt tạo thành từ các đoạn thẳng A0A1, A1A2..., A(n-1)An với A0 ≠ An.
Giả sử với mỗi điểm P nằm trên chu vi của S đều tồn tại một điểm thuộc L cách P không quá 1/2.
Chứng minh rằng: Tồn tại hai điểm X và Y thuộc L sao cho khoảng cách giữa X và Y không vượt quá 1, và độ dài đường gấp khúc L nằm giữa X và Y không nhỏ hơn 198".
Bài thi này chỉ có 20 thí sinh giải được trong kỳ thi năm đó. Trong số đó có Lê Tự Quốc Thắng, thí sinh của đoàn Việt Nam, người đã đoạt Huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối 42/42.
Triết lý giáo dục của PGS Văn Như Cương
Sau 25 năm làm hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường từ năm 2014. Trong suốt sự nghiệp, ông đã để lại nhiều ý kiến giá trị, triết lý giáo dục của ông truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò. Ông thường nhấn mạnh rằng "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ", "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", và "Trước hết phải là người tử tế"…
Nhà giáo Văn Như Cương cũng nói, điều hạnh phúc nhất chính là được tiếp xúc, trò chuyện cùng học sinh. Với ông, học sinh như con cái trong nhà, các con cũn coi ông như người ông, người bố. Chính tình yêu thương của các học trò càng khiến ông thêm yêu, không ngừng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Tại buổi lễ khai giảng năm học 2017-2018, ông chân thành nói: "Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi".
Năm 2017, nhà giáo Văn Như Cương đã trút hơi thở cuối cùng sau ba năm chống chọi với căn bệnh ung thư.