Phi công ngủ quên suốt 40 phút khi máy bay đang ở độ cao hơn 3.000m, huy động máy bay cứu hộ đánh thức nhưng bất thành, cơ quan chức năng vào cuộc tìm nguyên nhân
(Thị trường tài chính) - Nguyên nhân của vụ việc sau đó đã được điều tra và xác định là do phi công mệt mỏi và gặp phải tình trạng thiếu oxy khi bay ở độ cao 11.000 feet.
Phi công ngủ gật 40 phút khi đang bay
Chiều ngày 2/7/2020, tại Australia, trạm kiểm soát không lưu bất ngờ mất liên lạc với chiếc máy bay Cessna 208B Caravan khi nó đang bay ở độ cao 11.000 feet (khoảng 3.352,8m). Chiếc máy bay này đang thực hiện hành trình từ Cairns đến Redcliffe, với dự kiến hạ cánh tại sân bay Sunshine Coast vào khoảng 17 giờ địa phương. Tuy nhiên, điều kỳ lạ đã xảy ra khi máy bay không có dấu hiệu giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh như kế hoạch.
Nhận thấy sự bất thường, các kiểm soát viên không lưu ngay lập tức cố gắng liên lạc với phi công, nhưng mọi nỗ lực đều không thành công. Trong khi đó, chiếc máy bay vẫn tiếp tục giữ độ cao và bay về hướng Tây Bắc, càng làm gia tăng mối lo ngại.
Khi máy bay cách sân bay Sunshine Coast 53km, trạm kiểm soát không lưu buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của một chiếc máy bay cứu hộ Beechcraft B200 King Air. Phi công của máy bay cứu hộ đã nhanh chóng tiếp cận chiếc Cessna 208B Caravan, nỗ lực liên lạc với phi công bên trong nhưng vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Trong tình thế căng thẳng, phi công của máy bay cứu hộ đã phải nghiêng cánh máy bay và tiếp cận chiếc Cessna ở khoảng cách cực gần nhằm kích hoạt hệ thống cảnh báo va chạm TCAS. Dù tín hiệu cảnh báo liên tục vang lên, phi công của chiếc Cessna vẫn không có phản ứng nào khiến tình huống càng trở nên nguy hiểm.
Phải đến khi chiếc máy bay cách sân bay Sunshine Coast 111km, vào lúc 17 giờ 35 phút, phi công của Cessna 208B Caravan mới tỉnh dậy sau 40 phút mất liên lạc. Ngay lập tức, phi công khôi phục kết nối với trạm kiểm soát không lưu và thực hiện theo hướng dẫn để hạ cánh an toàn xuống sân bay Gold Coast. May mắn chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn và không có thảm họa nào xảy ra.
Nguyên nhân đằng sau sự cố hi hữu
Sự việc hi hữu này đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng, sau gần một năm điều tra kỹ lưỡng. Vào tháng 5/2021, Cục An toàn Vận tải Hàng không (ATSB) Australia đã công bố kết quả điều tra, tiết lộ rằng phi công điều khiển chiếc Cessna 208B Caravan bất ngờ chìm vào giấc ngủ sâu trong lúc làm nhiệm vụ, nguyên nhân là do mệt mỏi và tình trạng thiếu oxy.
Theo báo cáo, trước khi xảy ra sự cố, chiếc Cessna 208B Caravan đang bay ở độ cao 10.000 feet. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất lợi, phi công đã quyết định tăng độ cao lên 11.000 feet. Chính sự thay đổi độ cao đột ngột, kết hợp với nguồn cung cấp oxy trong buồng lái bị gián đoạn và tình trạng thiếu ngủ kéo dài do lịch trình bay dày đặc đã dẫn đến việc phi công mất kiểm soát và ngủ gật ngay trong buồng lái.
Phi công sau đó thừa nhận rằng anh đã bật máy sưởi trong khoảng 20 phút trước khi sự cố xảy ra. Theo anh, hơi ấm trong buồng lái có thể đã góp phần làm tăng cảm giác buồn ngủ, dẫn đến giấc ngủ không kiểm soát trong một tình huống đầy nguy hiểm.
Sau khi sự cố hi hữu này xảy ra, đến ngày 30/5/2022, hai phi công của hãng hàng không ITA Airways đã cùng ngủ gật trong một chuyến bay chở 250 hành khách từ New York (Mỹ) đến Rome (Ý), khiến kiểm soát không lưu mất liên lạc với họ trong 10 phút.
Tương tự, hôm 25/1/2024, Cơ trưởng và cơ phó trên một chuyến bay của hãng hàng không Batik Air (Indonesia) đã ngủ quên 28 phút, khiến máy bay đi chệch hướng. Tuy nhiên sau đó các phi công đã tỉnh giấc và đưa máy bay trở lại đúng lộ trình. May mắn máy bay chở theo 153 hành khách và 4 tiếp viên hàng không đã hạ cánh an toàn sau sự cố.