Ngôi miếu cổ linh thiêng được giàn gừa nguyên sinh gần 4.000m2 ôm trọn
(Thị trường tài chính) -Giàn gừa cao khoảng 15m, tán lá vươn rộng ra một vùng mênh mông xanh mát, trông như một tấm lưới to lớn bao bọc khuôn viên Cổ Miếu Bà.
Khu di tích Giàn Gừa tọa lạc tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 14km. Đây là một điểm đến lịch sử độc đáo, kết hợp giữa vẻ đẹp huyền bí, “ma mị” và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Khi lần đầu tiên đến đây, bạn chắc chắn sẽ bị ấn tượng bởi một giàn gừa nguyên sinh khổng lồ và đồ sộ. Với chiều cao khoảng 15m và tán lá trải rộng trên một vùng mênh mông xanh mát, giàn gừa như một tấm lưới tự nhiên bao phủ khuôn viên Cổ Miếu Bà, tạo nên một khung cảnh huyền ảo.
Cổ Miếu Bà nằm trong Khu di tích lịch sử Giàn Gừa. Ảnh: Hải Dương/PLO
Cổ Miếu Bà thờ bà Thượng Động Cố Hỷ, vị nữ thần được dân làng tôn kính như ân nhân. Giàn gừa nguyên sinh bao quanh miếu với nhiều nhánh đan xen, quyện chặt, tạo thành một tấm lưới tự nhiên khổng lồ. Những nhánh gừa đơn thân, dài khoảng 6-7m, xòe tán lá vươn lên bầu trời như những “cánh tay” siêu dài trong cổ tích. Bên cạnh gốc gừa, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đặt biển tôn vinh “Cây di sản Việt Nam” vào ngày 13/6/2013.
Giàn gừa như một tấm lưới to lớn bao bọc khuôn viên Cổ Miếu Bà. Ảnh: Báo Lao Động
Theo người dân địa phương, giàn gừa đã có tuổi đời hơn 150 năm, thuộc thế hệ thứ hai. Vào giữa thế kỷ XIX, khu vực này đã có giàn gừa rộng khoảng 1ha. Năm Đinh Tỵ (1857), ông Nguyễn Văn Thành từ miền Bắc đến khai phá đất hoang, đắp đập làm ruộng và lập nghiệp tại đây. Với sự thành đạt về của cải, ông được người dân địa phương gọi là ông cả Thành.
Thế hệ sau nhà ông cả Thành tiếp tục canh tác lúa. Một lần, trong lúc đốt đồng xảy ra hỏa hoạn khiến toàn bộ giàn gừa bị thiêu rụi. Kể từ đó, nhiều con cháu ông cả Thành bị bệnh chết nhiều. Một ông thầy từ trên núi xuống đã nghe câu chuyện và giải thích rằng giàn gừa là nơi bà Cố Hỷ ngự trị. Vì bà không còn chỗ nương náu, bà phật lòng trừng phạt dòng họ.
Để xin lòng bà, con cháu ông cả Thành đã vâng lời trồng lại giàn gừa và lập miếu thờ Bà Cố Hỷ. Kể từ đó, tai họa không còn giáng xuống dòng họ ông nữa. Người dân tin tưởng vào việc miếu giữ cây, nên họ chỉ chăm sóc và bảo vệ giàn gừa mà không dám chọc phá.
Miếu Bà Cố Hỷ không chỉ là một biểu tượng lịch sử mà còn là nơi thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ. Ảnh: Báo Vietnamnet
Ban đầu, Cổ Miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng lá. Đến năm 1996, miếu được nâng cấp bằng bê tông kiên cố. Với diện tích chỉ khoảng 4m2, miếu sơn nền vàng nằm giữa khuôn viên rộng lớn của giàn gừa, tạo nên cảm giác huyền ảo và linh thiêng.
Sau này, dân làng thêm dựng hai tượng kỳ lân đón khách vào đôi hắc hổ và bạch hổ cạnh Miếu Bà. Lễ hội chính trong năm diễn ra vào ngày 28/2 Âm lịch, kỷ niệm việc trồng lại giàn gừa và lập miếu. Sáng lễ hội có múa bóng rỗi, cúng heo trắng, bông, hoa, trà, quả, chè, xôi. Trước năm 2013, phong tục cúng được thực hiện theo chu kỳ 2 năm liền cúng đầu heo và 1 năm cúng cả con heo. Hiện nay, dân làng chỉ cúng cả con heo, nhưng phải chọn những con trên 100kg.
Các nhánh cây đan xen vào nhau tạo nên một giàn gừa khổng lồ. Ảnh: Báo Lao Động
Theo bảng “Di tích lịch sử Giàn Gừa” ghi ở phía trước khu di tích, trước đây giàn gừa là địa điểm hoạt động cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lúc đó, giàn gừa có diện tích rất lớn, nhưng do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, mà sau này giàn gừa còn lại 2.740m2. Tuy nhiên, đến nay, diện tích Khu di tích Giàn Gừa đã dần được phục hồi và phát triển trở lại, đạt khoảng 4.000m2.
Khu di tích này không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và niềm tin tâm linh của người dân địa phương. Đây thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và lịch sử.