Ngôi làng duy nhất Việt Nam được ví như ‘Trung tâm Thủ đô lâm thời', không có liệt sĩ dù hàng trăm người ra trận, từng là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Thị trường tài chính) - Trong tương lai không xa, ngôi làng này sẽ trở thành một khu du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp lịch sử và sinh thái, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Làng Tân Lập (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) được biết đến là "Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam" với gần 20 điểm di tích lịch sử cùng những nét văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - Nơi diễn ra những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Internet
Ngôi làng này nằm trong quần thể Khu du lịch Tân Trào, thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Làng có 182 hộ gia đình với 802 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tày chiếm hơn 97%. Làng Tân Lập còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ và người dân nơi đây luôn tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
Tận dụng lợi thế từ bản sắc văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, các hộ dân tại làng văn hóa Tân Lập chủ yếu phát triển các dịch vụ du lịch, với trọng tâm là du lịch cộng đồng.
Ngay cạnh làng văn hóa Tân Lập là cây đa Tân Trào, một di tích lịch sử sống. Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc.
Cách làng văn hóa Tân Lập khoảng 1km là di tích Lán Nà Nưa (hay còn gọi là lán Nà Lừa). Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Lán Nà Nưa - Nơi Bác Hồ ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - Nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945. Ảnh: Internet
Trong làng Tân Lập còn có hai ngôi nhà đã được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2006. Đó là ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong những ngày đầu khi Người từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào và ngôi nhà của cụ Hoàng Trung Dân, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945.
Cả hai ngôi nhà này đều được bảo tồn và tôn tạo, giữ nguyên giá trị gốc và tái hiện lại vị trí nơi nghỉ, làm việc của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phục vụ du khách đến tham quan.
Đặc biệt, ở ngôi làng được mệnh danh là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam” này đã có không biết bao người lên đường ra trận, tuy nhiên, kỳ lạ thay, nơi đây tuyệt nhiên không có ai hy sinh trong cả 4 cuộc chiến tranh của dân tộc. Cụ thể, tính chung, làng Tân Lập có 104 thanh niên lần lượt lên đường ra trận, dẫu vậy, theo thống kê chỉ có hai thương binh và hai bệnh binh.
Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, làng Tân Lập còn bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Tày qua các ngôi nhà sàn truyền thống và những làn điệu then, cọi say đắm lòng người. Những ngôi nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát đã được bố trí và sắp xếp ngăn nắp, đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi cho du khách.
Người dân xã Tân Trào nói chung và làng văn hóa Tân Lập nói riêng đều phấn khởi khẳng định rằng, quê hương chưa bao giờ thay đổi mạnh mẽ như hiện nay. Chiến khu cách mạng xưa trong tương lai không xa hứa hẹn sẽ trở thành một khu du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp lịch sử và sinh thái, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.