HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nghiên cứu: 8 phút lướt TikTok có thể khiến phụ nữ trẻ rối loạn tâm lý vì tự ti với người khác

Manh Lan

(Thị trường tài chính) - Chỉ cần 8 phút lướt Tiktok, phụ nữ trẻ đã có thể rơi vào “cái bẫy” tâm lý khi so sánh ngoại hình, tự ti vì những tiêu chuẩn vô thực.

Nghiên cứu mới đây cho thấy chỉ cần 7 đến 8 phút lướt qua các video trên TikTok, phụ nữ trẻ đã có thể cảm thấy tự ti về ngoại hình khi so sánh bản thân với người khác.

Được đăng tải trên tạp chí Science Alert ngày 20/8, nghiên cứu chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông xã hội đang làm méo mó nhận thức về vẻ đẹp của phụ nữ, khiến họ thường xuyên so sánh bản thân với những hình mẫu lý tưởng nhưng phi thực tế và thiếu lành mạnh.

TikTok, nền tảng cho phép người dùng tạo và xem các video ngắn, đã thu hút hơn 1 tỷ người dùng. Tuy nhiên, những nội dung độc hại như video về ăn uống không điều độ hay khoe vóc dáng gầy gò cực đoan lại dễ dàng lan truyền trên nền tảng này.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng chỉ 8 phút tiếp xúc với những nội dung liên quan đến chế độ ăn kiêng, giảm cân và tập luyện khắc nghiệt trên TikTok có thể khiến phụ nữ có cái nhìn tiêu cực về cơ thể mình.

Nghiên cứu: 8 phút lướt TikTok có thể khiến phụ nữ trẻ rối loạn tâm lý vì tự ti với người khác - ảnh 1
Các nhà khoa học chỉ ra rằng chỉ 8 phút xem các nội dung trên TikTok về chế độ ăn kiêng, giảm cân và tập thể dục cực đoan, phụ nữ sẽ có cái nhìn tiêu cực về hình ảnh bản thân (Hình minh họa)

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã tuyển chọn 273 tình nguyện viên từ 18 đến 28 tuổi và chia họ thành hai nhóm ngẫu nhiên, loại trừ những người từng mắc chứng rối loạn ăn uống.

Nhóm đầu tiên xem các video trên TikTok trong 7-8 phút với nội dung "cổ xúy ăn uống thiếu lành mạnh và tình trạng biếng ăn." Những video này thường khuyến khích việc hạn chế lượng thức ăn mỗi ngày, cung cấp lời khuyên tập luyện và mẹo ăn kiêng cực đoan như chỉ uống nước trái cây để giảm cân. Nhóm thứ hai xem các video trung lập về thiên nhiên, nấu ăn và động vật trong cùng khoảng thời gian.

Sau khi xem xong, các tình nguyện viên được yêu cầu điền vào bảng hỏi để đo mức độ hài lòng về ngoại hình và thái độ với các tiêu chuẩn sắc đẹp trước và sau khi xem video. Kết quả cho thấy cả hai nhóm đều giảm sự hài lòng về hình thể, nhưng nhóm đầu tiên cảm thấy tự ti nhiều hơn.

Nghiên cứu còn chỉ ra tình trạng "nội tâm hóa" sắc đẹp, khi một người chấp nhận các tiêu chuẩn vẻ đẹp do xã hội đặt ra, dù hợp lý hay phi lý. Đặc biệt, những người sử dụng TikTok hơn hai tiếng mỗi ngày có xu hướng gặp phải các hành vi rối loạn ăn uống.

Hashtag như #GymTok và #FoodTok tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận các video về thói quen ăn uống, giảm cân và tập luyện. Theo các nhà khoa học, những video về "ăn sạch" (eat clean) và "giải độc" (detox) trên mạng xã hội có thể được xem như "sói đội lốt cừu". Những chế độ ăn uống khắc nghiệt, cực đoan đôi khi được khoác lên cái tên "tự chữa lành" hay "sống khỏe", dẫn dắt người xem đến việc tập luyện quá mức và ăn uống không điều độ.

*Theo Science Alert