Ngành học ‘siêu’ hot ở Việt Nam cực khan hiếm nhân sự: 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, được dự đoán là nghề ‘hốt bạc tỷ’
(Thị trường tài chính) - Nhu cầu nhân lực trong ngành này tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ và dự kiến sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới.
Ngày 22/7/2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố điểm chuẩn theo phương thức kết hợp (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024). Mức điểm chuẩn dao động từ 24,5 đến 28,16, trong đó ngành Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong hai ngành có mức điểm cao nhất.
Nhu cầu nhân lực trong ngành TMĐT tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ và dự kiến sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới. Ảnh: HUFLIT
Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 tại trường, ngành TMĐT tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 100%. Phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp chọn làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, một số ít tự khởi nghiệp hoặc làm việc cho các công ty có yếu tố nước ngoài.
Ngành học luôn thuộc top “khan hiếm” nhân lực trầm trọng
Thương mại điện tử là ngành thuộc khối kinh tế, vận hành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động giao dịch thương mại, thanh toán trực tuyến và tiếp thị điện tử.
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trên 25% mỗi năm, với quy mô thị trường vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Khảo sát của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy 74,8% người dùng Internet tại Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến và con số này đang tiếp tục tăng. Xu hướng này thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh chóng, kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành TMĐT ngày càng lớn.
Lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trên 25% mỗi năm. Ảnh: Hstatic
Theo thống kê, 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân lực được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin và TMĐT. Tuy nhiên, chỉ có 30% lao động trong ngành TMĐT được đào tạo bài bản, 55% xuất thân từ các ngành liên quan như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin và 15% còn lại đến từ các lĩnh vực khác. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên theo học ngành này.
Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đã chia sẻ, ngành TMĐT hiện đang trong tình trạng "khát" nhân lực trầm trọng. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các hội viên của Hiệp hội, đang tìm kiếm nhân sự với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng rất khắt khe. Ông dự đoán nhu cầu nhân lực ngành TMĐT tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong tương lai.
Sinh viên theo học ngành TMĐT không chỉ được trang bị các kỹ năng chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng mềm, giúp họ thành thạo trong việc phân tích, tổng hợp và đánh giá hiệu quả hoạt động thương mại điện tử tại các doanh nghiệp, cơ quan, hoặc tổ chức.
Ngành TMĐT hiện đang trong tình trạng "khát" nhân lực trầm trọng. Ảnh: Vinapaco
Với nền tảng kiến thức vững chắc, sau khi tốt nghiệp, các cử nhân TMĐT có thể đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các tập đoàn kinh tế lớn, công ty đa quốc gia, hoặc tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng. Thêm vào đó, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT cũng rất rộng mở. Sinh viên tốt nghiệp có thể tự thành lập doanh nghiệp, kinh doanh trực tuyến, hoặc phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng mạng và công nghệ số, hứa hẹn tiềm năng thành công lớn trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt tuyệt đối, thu nhập “khủng” tới hơn nửa tỷ
Theo báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 tại trường, ngành TMĐT vẫn giữ vị trí dẫn đầu với tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường đạt 100%. Đa số sinh viên lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, trong khi một số ít tự khởi nghiệp hoặc gia nhập các công ty có yếu tố nước ngoài.
Với nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao, các công ty sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn để chiêu mộ nhân sự ngành TMĐT. Theo Báo cáo lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos công bố, mức lương khởi điểm cho nhân sự mới ra trường ngành TMĐT dao động từ 300-500 USD/tháng (khoảng 7-12 triệu đồng). Các vị trí cấp cao như trưởng phòng có thể nhận mức lương từ 1.500-10.000 USD/tháng (khoảng 38-250 triệu đồng), trong khi Giám đốc điều hành (CEO) có thể kiếm được tới 25.000 USD/tháng (634 triệu đồng).
Các công ty sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn để chiêu mộ nhân sự ngành TMĐT. Ảnh: HUIT
Tiến sĩ Nguyễn Trần Hưng, Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại, chia sẻ rằng sinh viên ngành TMĐT mới tốt nghiệp có thể nhận lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Với những sinh viên tự khởi nghiệp và mở gian hàng trên các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, TikTok Shop, thu nhập có thể cao gấp từ 5-10 lần mức trung bình nhờ sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại trực tuyến.
Hiện nay, ngoài Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều trường đại học hàng đầu cũng đang đào tạo ngành TMĐT, như Trường Đại học Thương mại, Học viện Bưu chính viễn thông, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM,...
“
Theo kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo TMĐT cho sinh viên và mời các doanh nghiệp TMĐT lớn tham gia vào quá trình đào tạo. Mục tiêu là đến năm 2025, 50% các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp sẽ triển khai chương trình đào tạo về TMĐT, đồng thời 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước và sinh viên sẽ được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Đây là một định hướng chiến lược vô cùng hợp lý và cần thiết trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, các đơn vị đào tạo cần nỗ lực hết mình để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại chuyển đổi số.