Ngành học có thể giúp lao động kiếm đến 1,3 tỷ đồng/năm: Việt Nam cần 50.000 nhân lực trong 10 năm tới, đang được Bộ Giáo dục đề nghị miễn, giảm học phí
(Thị trường tài chính) - Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 20.000 nhân sự ngành bán dẫn có trình độ đại học trở lên, con số này sẽ tăng lên 50.000 người trong vòng 10 năm tới.
Mức lương hấp dẫn nhưng ‘khát’ nhân lực
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, song hành với tiềm năng vượt trội là bài toán nan giải về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm Việt Nam cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư bán dẫn, nhưng năng lực đào tạo hiện tại chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu. Dữ liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết, cả nước mới có 5.575 kỹ sư thiết kế chip, con số khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế.
Tại hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, các chuyên gia dự đoán trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 20.000 nhân sự trình độ đại học trở lên, con số này sẽ tăng lên 50.000 người trong vòng 10 năm tới.
Trên thị trường lao động, vị trí kỹ sư bán dẫn với kinh nghiệm trên 5 năm được các nhà tuyển dụng hứa hẹn mức lương hấp dẫn khoảng 1.000 USD/tháng. Trong khi đó, tại Mỹ, kỹ sư bán dẫn nhận mức lương trung bình gần 8.500 USD/tháng. Tại Nhật Bản, nhà sản xuất chip Tokyo Electron trả khoảng 305.000 yên (gần 2.200 USD/tháng) cho sinh viên mới tốt nghiệp.
Tại Đài Loan, kỹ sư bán dẫn có bằng cử nhân nhận mức lương khởi điểm từ 38.000 đến 42.000 Đài tệ (25-33 triệu đồng). Với bằng thạc sĩ, mức lương dao động từ 33-37 triệu đồng và tăng lên 46-55 triệu đồng nếu người lao động có bằng tiến sĩ.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ cộng đồng vi mạch, kỹ sư thiết kế chip có thu nhập trung bình sau thuế trong năm đầu tiên là gần 220 triệu đồng (hơn 18 triệu/tháng). Với kinh nghiệm 5 năm, mức lương tăng lên trên 330 triệu đồng/năm. Những người có 15-20 năm kinh nghiệm thậm chí đạt thu nhập từ 800 triệu đến 1,3 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều chính sách đặc biệt cho người học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kế hoạch 1758 để triển khai hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định số 1018 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017 về Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.”
Kế hoạch này đặt mục tiêu xác định nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình cụ thể nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.
Trong quý 4/2024, Bộ sẽ thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Đến quý 1/2025, Bộ lựa chọn chương trình đào tạo từ các trường đại học và ban hành kế hoạch đào tạo chi tiết đến năm 2030, đồng thời xây dựng, hướng dẫn chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xây dựng đề xuất dự án đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở, với tối đa 9 dự án được khuyến khích triển khai nhằm hỗ trợ đào tạo nhân lực cho ngành.
Trong năm 2025, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các cơ chế chính sách như miễn, giảm học phí và học bổng cho học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn, cả trong và ngoài nước. Bộ cũng thúc đẩy mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ năm 2025 đến 2030, Bộ triển khai chương trình tài năng phục vụ ngành bán dẫn tại các trường đại học, ưu tiên nguồn lực và ngân sách nhà nước hỗ trợ các chương trình nghiên cứu và đào tạo sau đại học gắn với sản phẩm vi mạch bán dẫn. Các ứng viên học chuyên ngành bán dẫn tại nước ngoài sẽ được ưu tiên cấp học bổng từ ngân sách nhà nước, bao gồm học bổng Hiệp định Chính phủ và các đề án liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh hợp tác giáo dục với các tập đoàn lớn và quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, tạo điều kiện cho các trường đại học Việt Nam hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu. Việc kết nối giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước với doanh nghiệp, trường đại học và chuyên gia quốc tế cũng được tăng cường để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch được phân bổ theo quy định liên quan đến Chiến lược 1018 và Chương trình 1017. Ngoài ra, các hoạt động như tổ chức cuộc thi, giải thưởng, khen thưởng những sáng kiến, cách làm đột phá trong phát triển nhân lực ngành bán dẫn cũng sẽ được triển khai để mang lại hiệu quả cao và lợi ích cho cộng đồng.