Máy bay không người lái cỡ lớn đâm vào Trung tâm thể thao Olympic, gây cháy dữ dội
(Thị trường tài chính) - Dữ liệu sơ bộ cho thấy, nguyên nhân có thể là do trục trặc kỹ thuật hoặc sai sót trong quá trình điều khiển nhưng may mắn không gây ra thiệt hại về người.
Hôm 12/12, tại thành phố Kinh Châu, Trung Quốc, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi chiếc máy bay không người lái cỡ lớn Yilong-2H đâm vào Trung tâm thể thao Olympic, gây thiệt hại đáng kể. Theo China Times, ngay sau vụ va chạm, một ngọn lửa dữ dội đã bùng lên tại hiện trường.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy, nguyên nhân có thể là do trục trặc kỹ thuật hoặc sai sót trong quá trình điều khiển. May mắn thay, không có thương tích nào được ghi nhận. Tuy nhiên, sự cố đã làm dấy lên những nghi ngại về mức độ an toàn và độ tin cậy của máy bay không người lái công nghệ cao, đặc biệt khi được triển khai ở các khu vực đông dân cư.
UAV Yilong-2H là phiên bản dân sự của Wing Loong II – dòng máy bay không người lái quân sự nổi tiếng do Công ty AVIC của Trung Quốc phát triển. Được điều chỉnh để hoạt động trong các tình huống khẩn cấp, Yilong-2H có khả năng duy trì liên lạc trong thảm họa thiên nhiên, theo dõi điều kiện thời tiết và điều phối cứu hộ.
Với khí tài hiện đại, hệ thống chống va chạm và điều khiển tự động, Yilong-2H được kỳ vọng là công cụ quản lý khẩn cấp tiên tiến. Tuy nhiên, vụ tai nạn tại Kinh Châu cho thấy công nghệ này vẫn cần được hoàn thiện thêm để đảm bảo an toàn trong vận hành.
Trung Quốc đã tích cực triển khai máy bay không người lái vào nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng, hậu cần đến quản lý khủng hoảng. Năm 2023, Bộ Tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc đưa Yilong-2H vào sử dụng để theo dõi lũ lụt, động đất và các thảm họa thiên nhiên khác, giúp tăng cường hiệu quả cứu hộ.
Tuy nhiên, vụ tai nạn lần này là sự cố lớn đầu tiên liên quan đến Yilong-2H. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin vào công nghệ UAV mà còn đặt ra bài toán cải thiện an toàn vận hành trong tương lai.
Phiên bản quân sự của Wing Loong II hiện đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Được trang bị module trinh sát và khả năng mang tên lửa dẫn đường laser, Wing Loong II khẳng định vị thế của Trung Quốc trong ngành công nghiệp quốc phòng.