HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Lý do từ năm 2025 đến năm 2032 không có ngày 30 Tết

Khả Vy

(Thị trường tài chính) - Không chỉ Tết cổ truyền sắp tới không có ngày 30 Tết, mà trong suốt 7 năm tiếp theo, tháng Chạp Âm lịch cũng chỉ có 29 ngày.

Chỉ còn hơn 7 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, khi xem lịch vạn niên, nhiều người đã phát hiện một hiện tượng thú vị: Không chỉ Tết cổ truyền sắp tới không có ngày 30 Tết, mà trong suốt 7 năm tiếp theo, tháng Chạp Âm lịch cũng chỉ có 29 ngày. Nói cách khác, suốt 8 năm liên tục, bắt đầu từ năm Ất Tỵ 2025, chúng ta sẽ không trải qua ngày 30 Tết.

Theo lịch vạn niên, năm Giáp Thìn sẽ kết thúc vào ngày 29 tháng Chạp, tương ứng với ngày 28/1/2025 Dương lịch. Giao thừa sẽ đến ngay sau khi giây phút cuối cùng của ngày 29 tháng Chạp trôi qua, mở ra Tết Nguyên đán Ất Tỵ vào ngày 29/1/2025.

Lý do từ năm 2025 đến năm 2032 không có ngày 30 Tết - ảnh 1

Năm 2025, không có ngày 30 tháng Chạp Âm lịch. Ảnh: Lịch Vạn Niên

Năm Ất Tỵ không chỉ đặc biệt bởi đây là khởi đầu của chuỗi 8 năm liên tiếp mà tháng Chạp Âm lịch chỉ có 29 ngày. Đến tận Tết Nguyên đán Quý Sửu năm 2033, chúng ta mới gặp lại ngày 30 Tết.

Hiện tượng này xảy ra do sự điều chỉnh của lịch Âm, dựa trên chu kỳ chuyển động phức tạp của Mặt Trăng và Mặt Trời, nhằm đồng bộ hóa thời gian. Trong những năm được gọi là "năm thiếu," các tháng Âm lịch đều có 29 ngày, thay vì luân phiên giữa 29 và 30 ngày như thường lệ.

Việc tháng Chạp của năm nào đó có 29 hay 30 ngày không phải do sự sắp xếp chủ quan của người làm lịch, mà phụ thuộc vào điểm Sóc – một yếu tố thiên văn xác định sự bắt đầu của tháng Âm lịch. Sự xuất hiện của các năm không có ngày 30 tháng Chạp không theo một quy luật cố định, bởi việc tính toán lịch dựa trên sự chuyển động phức tạp của các thiên thể, đặc biệt là Mặt Trăng.

Lý do từ năm 2025 đến năm 2032 không có ngày 30 Tết - ảnh 2

Năm Ất Tỵ không chỉ đặc biệt bởi đây là khởi đầu của chuỗi 8 năm liên tiếp mà tháng Chạp Âm lịch chỉ có 29 ngày. Ảnh minh họa 

Mặt Trăng chịu sự nhiễu loạn bởi lực hút của Mặt Trời, Trái Đất và nhiều hành tinh khác, khiến điểm Sóc dao động mà không theo chu kỳ nhất định nào. Do đó, việc Tết Nguyên đán từ năm 2025 đến 2032 không có ngày 30 tháng Chạp chỉ có thể giải thích đơn giản rằng, trong những năm này, điểm Sóc của tháng Chạp đều rơi vào ngày 29. Tuy nhiên, tại sao điểm sóc lại trùng ngày 29 liên tục trong 8 năm, ngay cả các nhà làm lịch cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác.

Thời gian từ điểm Sóc này đến điểm Sóc tiếp theo, được gọi là tuần trăng, không cố định mà thay đổi dài ngắn theo từng tháng. Điều này xuất phát từ quỹ đạo hình bầu dục của Trái Đất quanh Mặt Trời và Mặt Trăng quanh Trái Đất. Vì quỹ đạo không tròn, tốc độ di chuyển của Mặt Trời và Mặt Trăng trên bầu trời cũng không đều, dẫn đến thời gian để chúng gặp lại nhau (giao hội) mỗi tháng khác nhau.

Lý do từ năm 2025 đến năm 2032 không có ngày 30 Tết - ảnh 3

 Đến tận Tết Nguyên đán Quý Sửu năm 2033, chúng ta mới gặp lại ngày 30 Tết. Ảnh minh họa 

Trung bình, một tuần trăng kéo dài 29 ngày 12 giờ 44 phút, nhưng có thể dao động hơn hoặc kém giá trị này tới 7 tiếng đồng hồ. Hệ quả là thời điểm điểm Sóc tiếp theo – tức thời điểm Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời thẳng hàng – có thể rơi vào ngày thứ 30 hoặc bước sang ngày thứ 31 kể từ điểm Sóc trước đó.

Sự chênh lệch nhỏ trong độ dài tuần trăng chính là nguyên nhân tạo ra các tháng thiếu và tháng đủ trong lịch Âm. Điều này cũng lý giải vì sao tháng Chạp – tháng cuối cùng của năm Âm lịch đôi khi có 29 ngày, đôi khi kéo dài đến 30 ngày, phụ thuộc vào thời điểm điểm Sóc xảy ra.