Loại cá ở Việt Nam được ví như ‘nhân sâm dưới nước’, ăn vào bổ thận, gan, có giống quý hiếm lên đến hàng triệu đồng/kg
(Thị trường tài chính) -Cá chạch là loại cá phổ biến ở Việt Nam, thường được chế biến thành nhiều món ăn giúp bữa cơm gia đình thêm phong phú, hấp dẫn.
Cá chạch còn có tên là xuân ngư, thuộc cá da trơn, sống ở vùng nước ngọt và nước lợ.
Cá chạch được mệnh danh là "nhân sâm dưới nước" bởi giá trị dinh dưỡng cao. Loại cá này rất giàu chất đạm và các dưỡng chất tốt cho cơ thể. Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100g thịt cá chạch có 16,9g đạm, 2g chất béo, 3,2g gluxit, 16,9mg canxi, 3,2mg sắt, 27mg phốt pho cùng nhiều vitamin khác.
Chính vì thế, cá chạch rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là gan và thận. Một số nghiên cứu cho thấy cá chạch có tác dụng lợi mật, bảo vệ tế bào gan, hạ men gan. Người viêm gan mạn tính có thể ăn loại cá này để bảo vệ gan.
Cá chạch có tính ngọt, bình nên trong Đông y, nó được coi như thuốc quý, giúp bổ dương, trị viêm gan, vàng da, mụn nhọt, lở loét. Các chuyên gia dinh dưỡng và y học cổ truyền cho biết cá chạch rất tốt cho người già và trẻ em suy dinh dưỡng.
Cá chạch có nhiều nhớt, nên khi sơ chế cần phải cẩn thận. Người ta thường dùng giấm, muối, tro bếp hoặc phèn chua để loại bỏ mùi tanh đặc trưng của nó.
Cá chạch có rất nhiều loài, trong đó có thể kể đến như cá chạch lấu, khá giống lươn. Loài này có nguồn gốc từ Đông Nam Á, thường sống ở hạ lưu sông Mê Kông như Campuchia, Lào, Thái Lan. Ở Việt Nam, cá chạch lấu thường xuất hiện ở vùng An Giang, Đồng Tháp.
Cá chạch lấu thường ăn thức ăn tươi sống như cá nhỏ hơn, giáp xác, côn trùng... Da của chúng có vân hình tổ ong. Trước đây, cá chạch lấu rất nhiều nhưng càng ngày càng hiếm. Vì thế, chúng có giá trị kinh tế cao, có thể lên đến 500 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, cá chạch có một loài vô cùng quý hiếm, bán hơn 1 triệu đồng/kg. Đó chính là cá chạch lửa, hay còn gọi là hỏa long. Cá chạch lửa thuộc họ cá chạch sông, là loài có chất lượng thịt thơm ngon. Bề ngoài, cá chạch lửa có đầu nhỏ, mõm dài, nhọn, thân cá thon dài, phần trước dạng ống, phần sau dẹt bên. Nền thân màu nâu xám với hàng đốm tròn nhỏ chạy dài từ sau đầu đến cuống đuôi. Trên thân cá cũng có một vài hàng sọc hay vệt màu vàng nâu. Rìa mép vây lưng, vây đuôi cũng có đường viền nổi bật.
Người ta từng bắt được một ít cá chạch lửa trên sông Tiền, sông Hậu, nhưng những năm gần đây, loài cá này gần như biến mất. Vì độ quý hiếm, loài cá này được bán với giá rất cao. Cá chạch lửa sống ngoài tự nhiên có thể đạt 1,5-2kg/con, giá khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/kg.
Cách đây không lâu, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Cần Thơ đã sản xuất nhân tạo thành công giống cá chạch lửa. Theo các nhà nghiên cứu, thành công này góp phần làm phong phú các loài thủy sản nuôi nước ngọt, đa dạng các loài nuôi làm cảnh, đồng thời giúp bảo vệ nguồn lợi tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.