Khu rừng nhân bản có niên đại lớn nhất hành tinh được khoa học xác nhận: Tuổi đời cao nhất lên đến 80.000 năm, gồm 47.000 gốc riêng lẻ nối liền bằng hệ thống rễ khổng lồ
(Thị trường tài chính) - Khu rừng có cấu trúc di truyền đặc biệt và tuổi đời từ 16.000 đến 80.000 năm, được xem là một trong những sinh vật lâu đời nhất trên Trái Đất.
Theo Newsweek, các nhà khoa học đã xác nhận rằng khu rừng dương lá rung khổng lồ tại Utah (Mỹ), được gọi là Pando, là một trong những sinh vật cổ xưa nhất hành tinh, với tuổi đời được ước tính nằm trong khoảng từ 16.000 đến 80.000 năm. Phát hiện này giúp Pando củng cố vị trí của mình trong danh sách những sinh vật lâu đời nhất trên Trái Đất.
Rừng cây dương lá rung Pando ở bang Utah. Ảnh: Newsweek
Theo các chuyên gia, cái tên "Pando" trong tiếng Latinh có nghĩa là "Tôi lan rộng“. Không giống như những khu rừng thông thường bao gồm các cây riêng lẻ, Pando thực ra là một sinh vật đơn nhất. Đó là một cây duy nhất đã tự nhân bản hàng chục nghìn lần. Trải dài trên diện tích 42,6ha tại rừng quốc gia Fishlake, Utah, Pando được cấu thành bởi khoảng 47.000 thân cây, tất cả đều được kết nối với nhau qua một hệ thống rễ khổng lồ.
William Ratcliff, một nhà sinh học tiến hóa tại Viện Công nghệ Georgia, cho biết rằng nếu nhìn từ xa, Pando trông chỉ giống như một khu rừng bình thường. Ông giải thích thêm rằng mỗi thân cây của Pando có tuổi thọ khoảng 200 năm, nhưng hệ thống rễ lại luôn tái tạo các cây mới, giúp sinh vật này duy trì vòng đời kéo dài bất tận.
Khu rừng có cấu trúc di truyền đặc biệt và tuổi đời từ 16.000 đến 80.000 năm. Ảnh: Internet
Điểm độc đáo của Pando nằm ở cấu trúc di truyền. Pando sở hữu bộ nhiễm sắc thể ba (triploid), tức là có ba bản sao của mỗi nhiễm sắc thể thay vì hai như thường lệ. Điều này khiến Pando không thể sinh sản theo cách thông thường mà phải dựa vào quá trình tự nhân bản.
Dù các cây con của Pando đều là bản sao, nhưng chúng vẫn có những biến thể gen nhỏ. Quá trình phân chia tế bào qua nhiều năm đã tích lũy các đột biến, tạo nên sự khác biệt, đồng thời cung cấp cho các nhà khoa học manh mối về lịch sử tiến hóa của sinh vật này.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập DNA từ rễ, vỏ, lá và cành cây trong toàn bộ khu rừng, phát hiện gần 4.000 biến thể gen đã tích lũy qua hàng thiên niên kỷ. Kết quả từ nghiên cứu, công bố trên máy chủ bioRxiv, cho thấy một số đột biến di truyền đáng chú ý. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng các cây ở vị trí gần nhau sẽ có gen tương đồng hơn, nhưng thực tế lại cho thấy mối liên hệ giữa sự gần gũi địa lý và giống nhau về gen không mạnh mẽ như dự đoán.
Dù các cây con của Pando đều là bản sao, nhưng chúng vẫn có những biến thể gen nhỏ. Ảnh: Cơ quan Lâm nghiệp Hoa Kỳ
Rozenn Pineau, nhà di truyền học tiến hóa thực vật tại Đại học Chicago và là đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích rằng dù tưởng chừng những cây ở gần nhau sẽ có sự tương đồng gen, kết quả lại không hoàn toàn như vậy. Ratcliff cũng nhận định rằng Pando cho thấy một sự đồng đều về mặt di truyền trên một phạm vi rộng lớn.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cung cấp thêm thông tin về tuổi thọ đáng kinh ngạc của Pando. Các nhà khoa học cho rằng bộ nhiễm sắc thể ba có thể đã giúp Pando phát triển với kích thước lớn, sức bền cao và khả năng chịu đựng tốt trước môi trường khắc nghiệt.
Ratcliff cho rằng sự tồn tại của Pando trải dài qua hàng chục nghìn năm, vượt qua các kỷ băng hà và nhiều sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, là minh chứng cho sức sống phi thường mà tự nhiên hiếm khi tạo ra.