Khai quật di chỉ, phát hiện mộ cổ hoàng gia 5.000 năm tuổi quy mô siêu lớn ở nước gần Việt Nam, hé lộ 350 hiện vật có thể thuộc về quân vương quyền lực
(Thị trường tài chính) - Quy mô của ngôi mộ cho thấy người được chôn cất có địa vị quan trọng.
Một ngôi mộ cổ hoàng gia lớn có niên đại khoảng 5.000 năm đã được phát hiện tại di chỉ Wangzhuang, thành phố Vĩnh Thành, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, cung cấp một mẫu nghiên cứu mới cho giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nền văn minh Trung Quốc, theo các nhà khảo cổ học Trung Quốc chia sẻ với tờ Global Times vào ngày 15/10.
Ngôi mộ này đã hé lộ hơn 350 hiện vật, bao gồm hàng trăm mảnh ngọc và đồ gốm, xương hàm lợn biểu trưng cho sự giàu có, cùng các vật trang trí bằng ngà voi được chạm khắc tinh xảo. Điều này khiến ngôi mộ trở thành một trong những ngôi mộ lớn nhất và chứa nhiều hiện vật nhất từng được tìm thấy từ thời kỳ văn hóa Đại Vấn Khẩu (4000 TCN-2600 TCN), một nền văn hóa thuộc cuối thời kỳ đồ đá mới theo Tân Hoa Xã.
Địa điểm khai quật ngôi mộ M27 tại di chỉ Wangzhuang ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: Zhu Guanghua
Ngôi mộ mới được phát hiện mang ký hiệu M27 là một ngôi mộ lớn thuộc văn hóa Đại Vấn Khẩu, có diện tích hơn 17m2. Quy mô của ngôi mộ cho thấy người được chôn cất có địa vị quan trọng, các chuyên gia suy đoán rằng đây có thể là mộ của một vị quân vương cổ đại.
Một trong những người tham gia khai quật - Phó Giáo sư Zhu Guanghua tại Đại học Sư phạm Thủ đô (Bắc Kinh, Trung Quốc) chia sẻ rằng đây là ngôi mộ lớn nhất từng được tìm thấy thuộc thời kỳ văn hóa Đại Vấn Khẩu. "Ngôi mộ này đã bị một kẻ thù cổ đại cố tình phá hoại. Chỉ có một số ít xương người được tìm thấy, không có bộ xương nào hoàn chỉnh được phát hiện", ông nói.
Theo Li Xinwei, Phó Giám đốc Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, phát hiện này cung cấp bằng chứng mới về dấu vết của sự phát triển ở các vương quốc cổ đại trên khắp các khu vực khác nhau trong thời kỳ hình thành nền văn minh Trung Quốc khoảng 5.000 năm trước.
Di chỉ Wangzhuang là một khu định cư lớn thuộc giai đoạn giữa đến cuối văn hóa Đại Vấn Khẩu. Ảnh: Global Times
Di chỉ Wangzhuang là một khu định cư lớn thuộc giai đoạn giữa đến cuối văn hóa Đại Vấn Khẩu. Từ năm 2023, một nhóm khảo cổ đã tiến hành khai quật tại đây.
Trưởng nhóm khảo cổ Liu Haiwang cho biết vào năm 2024, họ đã phát hiện mới 45 ngôi mộ thuộc văn hóa Đại Vấn Khẩu tại di chỉ Wangzhuang, trong đó 27 ngôi đã được khai quật. Một số ngôi mộ dường như thuộc về các quan chức cấp cao, chứa nhiều hiện vật quý giá tượng trưng cho sự giàu có. Trong số đó, ngôi mộ M27 dài có cả quan tài trong và quan tài ngoài, chứa rất nhiều đồ vật chôn cất, bao gồm nhiều loại đồ gốm và hơn 300 món trang sức bằng ngọc.
Các hiện vật bằng ngọc của nền văn hóa Đại Vấn Khẩu được khai quật tại di chỉ Wangzhuang. Ảnh: Cơ quan Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc
Tính đến nay, tại di chỉ Wangzhuang đã tìm thấy hơn 1.000 hiện vật. Dựa trên hình dáng của các hiện vật, đặc điểm văn hóa của di chỉ rất phức tạp, với phần lớn thuộc về văn hóa Đại Vấn Khẩu, nhưng cũng kết hợp các yếu tố của văn hóa Dương Thiệu và Lương Chử.